Mỹ mở cánh cửa mới cho Trung Quốc, Nga ở châu Phi

Tuyên bố giảm dần số lượng quân đội Mỹ ở châu Phi chỉ càng tạo điều kiện cho Bắc Kinh không bị ngáng đường ở 'lục địa đen'.

Mới đây, thông báo từ Lầu Năm Góc nhấn mạnh hoạt động cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Phi.

Theo đó, Tư lệnh Candice Tresch, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết, có khoảng 10% trong số 7.200 quân nhân Mỹ đang hoạt động ở châu Phi sẽ bị rút về.

Quân đội Mỹ hoạt động tại Nigeria hồi thán 4/2018. Ảnh: US Army

"Sự tái tổ chức này dự báo sẽ làm thay đổi số lượng 7.200 quân nhân Mỹ đang hoạt động ở châu Phi trong vài năm tới" - Tư lệnh Candice Tresch cho biết.

Việc rút dần số lượng sẽ diễn ra trong 3 năm, bao gồm binh sỹ đóng trú ở Kenya, Cameroon, Mali.

Thông tin kế hoạch rút quân của Mỹ được đưa ra không lâu sau khi Ủy ban Chiến lược Quốc phòng công bố bản đánh giá Chiến lược quốc phòng năm 2018 của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo tài liệu này, Mỹ đã mất đi lợi thế quân sự của mình ở mức độ nguy hiểm và có thể thua trong trường hợp chiến tranh với Trung Quốc hoặc Nga.

Chiến lược quốc phòng Mỹ cho thấy, Washington xác định Nga và Trung Quốc là trọng tâm cần phải đối phó. Đây là sự dịch chuyển khỏi mục tiêu chống khủng bố trong suốt 1 thập kỷ qua.

Theo Reuters, Lầu Năm Góc đang quan ngại về một nước Nga hồi sinh, ảnh hưởng tới tiếng nói của Washington trong các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang tập trung để đối phó trước sự bành trướng của Trung Quốc trên khắp thế giới.

Mỹ đánh giá mối nguy từ Nga và Trung Quốc nhưng lại quyết định giảm dần số quân nhân tại châu Phi. Đây lại là nơi Nga và Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng.

Trung Quốc nhiều năm qua đã duy trì hiện diện kinh tế ở châu Phi. Năm 2017, Bắc Kinh đi một bước xa hơn khi mở căn cứ quân sự đầu tiên bên ngoài Trung Quốc ở Djibouti.

Trong khi đó, Nga đã từng có các mối quan hệ quân sự và ngoại giao tại các nước châu Phi trong lịch sử lâu dài, kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Nga đang cố gắng hồi sinh các mối quan hệ đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ. Kể từ khi phương Tây trừng phạt Nga vào năm 2014, Moscow đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự ở khu vực cận Sahara bao gồm Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe.

Trong bối cảnh này, chưa thể thấy rõ sự sút giảm hiện diện quân sự Mỹ sẽ giúp củng cố hay đối phó với sự bành trướng của Nga hay Trung Quốc trong lĩnh vực nào.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-mo-canh-cua-moi-cho-trung-quoc-nga-o-chau-phi-3369349/