Mỹ mở lòng với Iran, Nhật Bản có tạo nên kỳ tích?

Cũng với những dấu hiệu tích cực từ Washington, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Iran tới Nhật Bản hứa hẹn sẽ đạt được những kết quả tích cực.

Ngày 7/12, một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Mỹ đã biểu thị sự tán thành đối với kế hoạch của Nhật Bản về việc tổ chức đón chuyến thăm của Tổng thống Iran tới nước này trong bối cảnh Tehran đang tìm cách phá vỡ bế tắc trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới.

Washington cũng hối thúc Tokyo chia sẻ thông tin về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Rouhani bên lề kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York hồi cuối tháng 9.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lên tiếng cảm ơn Iran vì đã có một cuộc đàm phán "rất công bằng" để tiến tới cuộc trao đổi tù nhân giữa 2 bên. Đây là một trong số ít những lần Tổng thống Trump dành những lời tốt đẹp cho Tehran.

Đại sứ Mỹ Edward McMullen chào đón ông Xiyue Wang tại Zurich, Thụy Sĩ.

Đại sứ Mỹ Edward McMullen chào đón ông Xiyue Wang tại Zurich, Thụy Sĩ.

Theo Reuters, cuộc trao đổi tù nhân diễn ra tại Thụy Sĩ. Cụ thể Xiyue Wang, sinh viên tốt nghiệp ĐH Princeton, từng bị Tehran bắt vì tội danh gián điệp từ năm 2016, đã được trao đổi cùng một công dân Iran bị bắt từ 1 năm trước tại Chicago, Mỹ.

Lúc ông Wang đang trên đường trở về cùng gia đình, Tổng thống Trump đã đăng tải lên Twitter: "Cảm ơn Iran vì một cuộc đàm phán rất công bằng". Ông Trump cho biết sẽ trực tiếp đón ông Wang khi cậu này về tới Mỹ, sau khi tạm dừng tại Đức để khám sức khỏe.

"Đây là cuộc trao đổi tù nhân 1-1. Tôi nghĩ điều này thật tuyệt để cho thấy rằng chúng ta có thể làm gì đó. Đó sẽ là tiền đề cho mai sau", ông Trump nói với phóng viên.

Những động thái mới đây của Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người hi vọng căng thẳng giữa Iran và Mỹ trong thời gian tới sẽ xuống thang. Cũng với những dấu hiệu tích cực từ Washington, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Iran tới Nhật Bản hứa hẹn sẽ đạt được những kết quả tích cực.

Vai trò của Nhật Bản

Các quan chức Nhật Bản và Iran đang dàn xếp cho chuyến thăm của ông Rouhani vào khoảng 20/12. Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Iran tới Nhật Bản kể từ chuyến thăm của ông Mohammad Khatami vào tháng 10/2000.

Trong chuyến thăm có khả năng diễn ra của Tổng thống Rouhani, Thủ tướng Abe dự kiến sẽ yêu cầu Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Ông Abe cũng có thể tìm kiếm sự đồng thuận của Iran đối với các kế hoạch của Nhật Bản về việc điều động đội ngũ nhân sự của Các lực lượng phòng vệ tới Trung Đông.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc điều 1 tàu khu trục và 1 máy bay tuần tra tới khu vực nhằm nâng cao khả năng thu thập thông tin và đảm hoạt động hàng hải an toàn của các tàu thuyền.

Cũng theo những nguồn tin trên, Thủ tướng Nhật Bản hôm 3/12 đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Iran ở Tokyo để thảo luận về các vấn đề chính trị. Tại cuộc gặp, đặc phái viên của Tổng thống Rouhani đã thông báo cho Thủ tướng Abe về ý định tới thăm Nhật Bản của nhà lãnh đạo Iran.

Trước đó, giữa tháng 6/2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm chính thức tới Iran, qua đó ngỏ ý làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran, với tham vọng trở thành một siêu cường toàn cầu.

Nhật Bản mong muốn quan hệ Mỹ và Iran sẽ bớt căng thẳng, từ đó Tokyo có thêm thời gian điều chỉnh thêm về chính sách đối ngoại. Trên thực tế, Nhật Bản được đánh giá là có mối quan hệ thân thiết với Iran.

Năm 2019 là năm Nhật Bản - Iran kỷ niệm 90 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy Tokyo vào thế khó khi Washington là một đồng minh an ninh, còn Iran là nguồn nhập khẩu dầu của Nhật Bản.

Việc Nhật Bản đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran, dù chưa biết kết quả sẽ đi tới đâu, nhưng ít nhất vai trò của Nhật Bản cũng có thể làm dịu tình hình. Ở một khía cạnh khác, việc hóa giải căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran cũng sẽ tạo cho Nhật Bản một vị thế khác, chẳng hạn như mang lại cho Tokyo một vị thế đặc biệt trong quan hệ quốc tế và nâng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của Nhật Bản được đánh giá là khá khó khăn. Tổng thống Trump luôn muốn gây sức ép tối đa lên Tehran, thậm chí bỏ ngỏ khả năng hành động quân sự nhằm vào Iran.

Về phần mình, Iran tuyên bố không từ bỏ chương trình tên lửa, hạt nhân. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei từng khẳng định Iran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình và sẽ không để bị mắc mưu trước lời đề nghị đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giới quan sát cho rằng, quan hệ Mỹ - Iran nhiều khả năng vẫn trong tình trạng giằng co, bởi mức độ thù địch giữa hai nước này chưa đủ để khơi mào một cuộc chiến. Washington và Iran vẫn có thể tham gia đàm phán để ngăn chặn đối đầu trực tiếp

Trường An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-mo-long-voi-iran-nhat-ban-co-tao-nen-ky-tich-3392920/