Mỹ mua cảng biển Hy Lạp, bóp ngẹt lối vào Biển Đen?

Mỹ sẽ mua một cảng biển chiến lược ở Hy Lạp (để nắm quyền kiểm soát 4 cảng), án ngữ lối ra vào Địa Trung Hải và Biển Đen.

Hy Lạp tư nhân hóa 4 cảng biển chiến lược

Là một phần trong kế hoạch tư nhân hóa, Quỹ Sử dụng Tài sản Tư nhân Hy Lạp (HRADF), với tư cách là một cơ quan phụ trách việc tư nhân hóa, đang tiếp tục rao bán 67% cổ phần tại cảng Alexandroupolis ở miền bắc Hy Lạp và có hai công ty Mỹ được cho là quan tâm đến thương vụ này.

Một thông báo liên quan do HRADF đưa ra nhấn mạnh cuộc đấu thầu bao gồm hai giai đoạn và “trong giai đoạn đầu tiên, các bên quan tâm được mời bày tỏ ý định tham gia đấu thầu trước 17h00 ngày 2 tháng 10 năm 2020”.

Theo báo chí đưa tin, hai công ty Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại cổ phần của cảng.

Việc giới chức lãnh đạo Hy Lạp phê duyệt quyết định bán một cảng biển có tầm quan trọng chiến lược cho các công ty Mỹ, cùng với việc quân đội Mỹ và NATO cũng có thể sử dụng cảng này, đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với giới chuyên gia chính trị và quân sự.

Theo ông Christos Dukas, cựu chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cảng vụ Alexandroupolis (OLA), gói cổ phiếu rao bán không chỉ của cảng Alexandroupolis mà nó còn liên quan đến 4 cảng biển khác nhau.

“HRADF đã công bố đấu thầu bán cổ phần kiểm soát (!) tại cảng Alexandroupolis. Vậy có gì ở đó? Đó là chúng ta đang nói về việc bán các cảng ở biển Thrace (phần phía bắc biển Aegean, dọc theo bờ biển Thrace) cho nhà đầu tư tư nhân” – ông Dukas tuyên bố.

Vị cựu quan chức này tiết lộ, nhà chức trách Hy Lạp đã không nói một điều là cổ phần của công ty liên quan đến 4 cảng của biển Thrace là Alexandroupolis, Makri, Kamariotissa-Samothraki, Terma-Samothraki.

Thông báo của HRADF về đấu thầu quốc tế bán công ty quản lý cảng ở Alexandroupolis nêu: “Nhà nước Hy Lạp trao quyền sử dụng và vận hành độc quyền đất đai, các tòa nhà, công trình trong khu vực cảng Alexandroupolis, cảng cá Makris cho công ty quản lý cảng ở Alexandroupolis. Công ty cũng chịu trách nhiệm hành chính đối với cảng Kamariotissa-Samothraki và cảng cá Terma-Samothraki”.

Giao phó an ninh quốc gia cho công ty Mỹ

Theo vị cựu quan chức Hy Lạp, giới chức lãnh đạo Athens còn từ chối giải thích việc chuyển nhượng cổ phần kiểm soát cho một "nhà đầu tư" tư nhân thực sự có ý nghĩa gì.

Theo ông, điều này có nghĩa là bãi bỏ sự kiểm soát của chính phủ (hiện nay, hình thức công ty là doanh nghiệp nhà nước), giao việc điều hành và quản lý các cảng cho nhà đầu tư nước ngoài, chuyển giao tất cả các chức năng và dịch vụ cho tư nhân, ngay cả những vấn đề có tính chất công cộng và xã hội” – ông Christos Dukas lưu ý.

Vị trí chiến lược của những cảng biển mà Mỹ có thể sở hữu ở Hy Lạp

Vị trí chiến lược của những cảng biển mà Mỹ có thể sở hữu ở Hy Lạp

Ngoài ra, dựa vào lịch sử và kinh nghiệm toàn cầu về quản lý cảng của mình, vị cựu quan chức này nhắc lại bài học về quá trình tư nhân hóa các cảng ở Anh dưới thời Thủ tướng Thatcher và những vấn đề nảy sinh sau đó, ông nhấn mạnh rằng, chẳng có lãnh đạo quốc gia sáng suốt nào lại đi bán cơ sở hạ tầng cơ bản của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Hãy nhìn vào sự thật, nhưng không phải vào những sự kiện mà người khởi xướng việc bán cảng muốn trình bày với chúng ta. Việc bán cảng là cực kỳ nguy hiểm theo quan điểm an ninh quốc gia. Nên nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như Trung Quốc hoặc Mỹ, tham gia vào việc quản lý các cảng nằm ở biển Thrace, vốn đóng vai trò không thể thay thế trong việc bảo vệ biên giới và phòng thủ đất nước” - ông Dukas nói.

Ông nhấn mạnh rằng, sự phát triển của hầu hết các cảng trên thế giới theo mô hình “landlord port model” (nhà nước và chính quyền địa phương cùng điều hành) và không quốc gia nào lại phát triển cảng của mình bằng cách chuyển giao quyền sở hữu, điều hành và quản lý cho nhà đầu tư tư nhân.

Thỏa thuận nâng cấp hợp tác quân sự Mỹ-Hy Lạp

Điều đáng chú ý là việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng mới giữa Hy Lạp và Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2019 đã trao cho người Mỹ quyền được sử dụng cơ sở hạ tầng của cảng biển nước này.

Ông Christos Trellis, thành viên Ủy ban quan hệ quốc tế và hòa bình (EEDYE) của Hy Lạp, cư dân thành phố Alexandroupolis, lưu ý về việc lập một căn cứ Mỹ - NATO tại cảng Alexandroupolis, là kết quả của việc ký kết một thỏa thuận nâng cấp hợp tác quốc phòng giữa Hy Lạp và Hoa Kỳ hồi tháng 12/2019.

Theo đó, Mỹ có thể mở rộng căn cứ Suda tại Krit và Hy Lạp cấp thêm cho Mỹ cơ sở hạ tầng các căn cứ Stefanovikio, Larisa và Alexandroupolis, cũng như đảm bảo khả năng thỏa thuận với Hy Lạp về việc Mỹ sử dụng bất kì căn cứ quân sự nào trên lãnh thổ nước này.

Kiểm soát dòng chảy năng lượng và huyết mạch quân sự

Trong 4 cảng này, Alexandroupolis, Makri nằm ở ven bờ biển phía tây nam của Hy Lạp, còn 2 cảng Kamariotissa-Samothraki và cảng cá Terma-Samothraki nằm ở trên đảo Samothraki Biển Đen nằm gần lối vào/ra eo biển Dardanellia (Dardanelles) kết nối biển Aegea với biển Marmara, có vị trí án ngữ rất quan trọng.

Nếu Mỹ và NATO sở hữu một căn cứ quân sự ở đây họ có thể kiểm soát tất cả tàu thuyền từ Địa Trung Hải vào biển Aegea, qua eo Dardanelles vào biển Marmara và qua eo biển Bosphorus để vào Biển Đen. Như vậy, việc sở hữu 4 cảng này có thể giúp Mỹ kiểm soát tuyến đường biển huyết mạch quân sự Địa Trung Hải-Biển Đen.

Bên cạnh đó, việc bán cảng cho một công ty Mỹ cũng sẽ đặt khu vực này vào "tâm chấn của cơn bão" trong trường hợp có thể xảy ra tình hình nghiêm trọng nào đó, bởi ai nắm giữ những cảng này sẽ có khả năng kiểm soát dòng chảy năng lượng.

“Rõ ràng hiện tại ở khu vực Alexandroupolis, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, một trò chơi đang diễn ra để kiểm soát khu vực này, ai sẽ điều tiết việc nhận lợi ích từ các tuyến đường năng lượng, ai sẽ có quyền kiểm soát quân sự trong khu vực. Ngoài hai tuyến đường ống đã có, tuyến đường ống thứ ba đang được chuẩn bị, có nghĩa là tình hình phải được kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, ngoài việc tư nhân hóa cảng ở Alexandroupoli, còn có vấn đề lớn hơn về căn cứ quân sự của Mỹ-NATO. Cơ sở này đóng vai trò như một phương tiện để áp đặt các lợi ích của Mỹ-NATO trong khu vực.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-mua-cang-bien-hy-lap-bop-nget-loi-vao-bien-den-3418061/