Mỹ mua S-400 Nga? Kinh nghiệm Liên Xô đã được tính đến!

Về việc Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 Triumf cho Mỹ, Nga đã có những bài học xương máu từ việc Liên Xô cấp vũ khí cho đồng minh thuộc khối Warsaw.

Mỹ muốn mua lại S-400 Triumf Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ

Trang mạng Defense News của Mỹ hôm 01/7 đưa tin, một số chính khách Hoa Kỳ đề xuất mua lại của Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf do Nga sản xuất, để giúp chính quyền Ankara tiếp tục tham gia vào chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 Lightning II của Mỹ.

Thượng nghị sĩ John Thune mới đề xuất đưa điều khoản sửa đổi tương ứng vào dự thảo luật cấp ngân sách cho quốc phòng trong năm tài khóa 2020-2021. Thune là điều phối viên của phe Cộng hòa tại Thượng viện, nhân vật quan trọng thứ hai sau Mitch McConnell.

Ngoài ra, một thành viên khác của Quốc hội Hoa Kỳ, ông Jim Risch, đề xuất trong vòng 30 ngày sau khi luật có hiệu lực sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tài liệu cho phép Washington mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, Ankara không được mua thiết bị quân sự mà Hoa Kỳ cho là không tương thích với thiết bị quân sự của NATO. Để có hiệu lực, việc sửa đổi phải được sự chấp thuận của Hạ viện.

Tuy nhiên, tác giả của dự luật chưa chắc chắn về khả năng những sửa đổi này sẽ được phê duyệt.

Trước đó, một đại diện của Ankara nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thỏa thuận với Nga về những hợp đồng mới cung cấp hệ thống tên lửa phòng không. Trong phát biểu của mình ông đã đề cập đến một thỏa thuận về nguyên tắc với Moscow.

Thỏa thuận cung cấp bốn sư đoàn S-400 Triumf do Nga sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết vào tháng 9/2017. Giá trị hợp đồng lên tới 2,5 tỷ USD, trong đó, một nửa do Nga cho vay, việc giao hàng cho Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ tháng 7 năm 2019.

Vì lo ngại dữ liệu tiết lộ khả năng của máy bay chiến đấu F-35 Lightning II thế hệ thứ năm của Mỹ có thể bị rò rỉ thông qua S-400, Washington đã đình chỉ việc cung cấp phương tiện này cho Ankara. Tổng cộng, Thổ Nhĩ Kỳ dự định mua hơn 100 máy bay trong chương trình nói trên.

Sau đó, Mỹ đã đề xuất bán hệ thống phòng không Patriot của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này hủy hợp đồng mua S-400 Nga. Tuy nhiên, chính quyền Ankara đã từ chối và tuyên bố rằng: "Patriot có thể mua, nhưng S-400 không thể bỏ!".

Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tự ý bán tổ hợp phòng không S-400 Nga cho Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tự ý bán tổ hợp phòng không S-400 Nga cho Mỹ

Những bài học của Liên Xô

Bình luận về vấn đề này, ông Anatoly Kapustin, Chủ tịch, thành viên ủy ban điều hành Hiệp hội Luật pháp Quốc tế Nga cho biết, Nga có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận đề xuất của Mỹ bán lại các hệ thống tên lửa phòng không S-400.

"Đề xuất này hoàn toàn phù hợp với diện mạo của "chú Sam" - một nhân vật bất lương mua và bán mọi thứ. Những đề xuất như vậy, tất nhiên, sẽ dẫn đến sự phức tạp trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả việc áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ phía Nga" – ông Kapustin nói.

Theo ông, Washington có thể đưa ra bất cứ điều gì, nhưng Ankara sẽ hành xử như thế nào là một chuyện khác. Nga cho rằng, nếu như ai đó vi phạm nghĩa vụ quốc tế, họ phải chịu trách nhiệm nhất định, cả người Mỹ và người Thổ Nhĩ Kỳ đều biết điều này.

"Khi ký kết bất kỳ hợp đồng ngoại thương nào, một số điều kiện luôn được quy định trong việc sử dụng hàng hóa được mua đối với bên mua. Bắt buộc quy định các hạn chế sử dụng trên một vùng lãnh thổ nhất định, không tiết lộ bí mật hoặc bí quyết đào tạo sử dụng vũ khí, cũng như có thể có những hạn chế khác liên quan đến việc chuyển giao bằng sáng chế và thông tin khác đi kèm với giao dịch" - ông Kapustin nói.

Vị quan chức Nga nhấn mạnh, những vấn đề này đã được quy định trong hiệp ước giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, vì Nga đã từng phải đối mặt với tình hình này khi Liên Xô cung cấp một số loại vũ khí ví dụ như súng máy Kalashnikov cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Warsaw, giúp họ thiết lập sản xuất, nhưng không thiết lập các điều khoản hạn chế.

Sau này, các đồng minh cũ như Bulgaria và một số quốc gia khác đã sản xuất vũ khí được cấp bằng sáng chế ở Liên bang Nga, bán chúng cho các quốc gia khác nhau đang có xung đột mà không có sự đồng ý của Moscow, thậm chí là được sử dụng để chống lại Nga.

Vị quan chức Nga nhấn mạnh rằng, những kinh nghiệm cay đắng này đã được tính đến trong các hợp đồng mua sắm vũ khí sau này. Nga sẽ không để mình phải chịu những thiệt hòi tương tự.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-mua-s-400-nga-kinh-nghiem-lien-xo-da-duoc-tinh-den-3409748/