Mỹ muốn bắt tay hợp tác quân sự với Trung Quốc

Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barrack Obama hy vọng sẽ tăng cường quan hệ quân sự với Bắc Kinh.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barrack Obama hy vọng sẽ tăng cường quan hệ với Bắc Kinh trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu, giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và ngăn chặn sự phổ biến hạt nhân ở Triều Tiên và Iran. Nhưng, quan trọng hơn hết, ông cũng sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc về quân sự. Trung Quốc đang mở rộng lợi ích và đầu tư ra toàn cầu, và quân đội nước này đang hiện đại hóa nhanh chóng. Vì thế, có quan ngại rằng các lực lượng Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đụng độ nhau, dù vẫn chưa có cơ chế chính thức nào cho phép quân đội hai nước có thể dẹp đi những bất đồng. Ngay cả nếu những quan ngại trên có khả năng trở thành sự thật lớn hơn, thì vấn đề quan tâm từ lâu của Trung Quốc vẫn là việc nước này không muốn Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và coi đây là vấn đề then chốt của bất cứ cuộc đàm phán nào. Các quan chức Nhà Trắng đang hy vọng sẽ xóa mối quan ngại, với lý do rằng những vấn đề lớn hơn giữa hai nước đang trở nên thúc bách hơn bao giờ hết. Ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh lạnh, các quan chức cấp cao chính phủ vẫn lưu ý rằng, Lầu Năm Góc có mối quan hệ thực tế hơn với quân đội Liên bang Xô viết cũ hơn với Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa ngày nay. Chính quyền Obama đã nhận thức được những hiểu lầm chỉ 2 tháng sau khi lên cầm quyền. Đầu tháng 3, tàu do thám Impeccable của hải quân Mỹ đụng độ với hải quân Trung Quốc . Một sự kiện tương tự đã diễn ra hồi tháng 5 tại vùng biển Hoàng Hải. Cả hai sự đối đầu này kết thúc trong hòa bình khi tàu Mỹ nói rằng họ sẽ rời đi; nhưng những sự kiện như thế cho thấy mối đe dọa mà quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói mới đây, “về toàn bộ mối quan hệ song phương tan vỡ vì quyết định của vị thủy thủ mới 18 tuổi". Trong quá khứ, một số quan chức Mỹ nói, việc tạo dựng mối quan hệ với quân đội Trung Quốc là không quan trọng. Ngay cả khi chi tiêu quân sự của nước này vẫn đang tăng đáng kể - chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ - thì mục tiêu trước hết của Trung Quốc vẫn là nhằm bảo vệ chủ quyền của mình. Nhưng, theo các nhà phân tích, có một số sự kiện làm thay đổi suy nghĩ của người Mỹ, tất cả đều liên quan đến quân đội hai nước. Người Mỹ đã đi đến kết luận quân giải phóng nhân dân TQ muốn mở rộng hoạt động trên thế giới khi Trung Quốc mở rộng đầu tư quốc tế. Năm ngoái, Trung Quốc đã phái ba tàu hải quân ra khỏi châu Á lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, trong trận chiến chống lại cướp biển Somali cùng với lực lượng đặc nhiệm quốc tế. Chính quyền Obama đã tổ chức một loạt các cuộc tiếp xúc cấp cao với quân đội Trung Quốc, với đỉnh cao là chuyến thăm Mỹ trong tháng này của Từ Hậu Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương và của quan chức quân sự Trung Quốc cấp cao nhất trong năm nay. Nhưng trên hết, quân sự Trung Quốc dường như muốn giữ Lầu Năm Góc không liên quan, còn các quan chức Mỹ lại đưa ra một số quan ngại. Trung Quốc đã xây dựng những lực lượng tên lửa thông thường nhiều tới mức báo cáo của tổ chức nghiên cứu độc lập Rand Corp. đã kết luận rằng hồi tháng 8, một vụ tấn công có thể đánh vào bất cứ vị trí nào của 6 căn cứ chiến đấu chính ở Đài Loan và phá hủy đáng kể tất cả những phi cơ nào đậu trên bệ tên lửa. Nhưng sự thay đổi chiến lược này chưa bao giờ đi cùng với các cuộc đàm phán quan trọng nào giữa Trung Quốc và Mỹ, làm cho hoạt động bảo đảm an ninh cho Đài Loan trở nên hợp pháp. Trung Quốc cũng tỏ ra ít quan tâm tới cuộc đối thoại về chiến lược hạt nhân. Hiện tại, Trung Quốc đang triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa lưu động với nhiên liệu rắn, có vũ trang hạt nhân. Trừ một vòng đàm phán với chính quyền Bush, nước này không chia sẻ bất cứ thông tin gì về các kế hoạch hạt nhân. Trung Quốc hạ một vệ tinh cũ trên bầu trời năm 2007, khi nước này thử vũ khí chống vệ tinh, và một vụ mới đây diễn ra chỉ cách trạm vũ trụ quốc tế 100 dặm. Nhưng Bắc Kinh không hề bàn bạc với Mỹ để giải quyết những mảnh vỡ như thế nào, hay bàn về việc chương trình không gian, do quân đội điều hành, nên hợp tác như thế nào với chương trình của các nước khác. Và trong khi các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đang phối hợp chiến lược đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, thì quân đội Trung Quốc lại từ chối yêu cầu của Lầu Năm Góc, thảo luận các điều kiện tùy thuộc nếu chính quyền Triều Tiên sụp đổ. Theo một số quan chức và nhà phân tích Mỹ và Trung Quốc, thì khi Michèle Flournoy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách tới thăm Trung Quốc hồi tháng 6, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra danh sách 6 khó khăn lớn cần dỡ bỏ nếu muốn quan hệ cải thiện. Trung Quốc nói họ muốn tàu thăm dò Mỹ cách xa vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm. Nhưng đứng đầu danh sách vẫn là yêu cầu Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan. Ba lần trong ba năm qua, Đài Loan đã hỏi mua hàng chục máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, và mỗi lần như vậy Washington đều từ chối yêu cầu, vì nó sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc. Sau chuyến thăm, Obama phải quyết định có bán máy bay lên thẳng Black Hawk và khẩu đội pháo chống tên lửa Patriot cho Đài Loan hay không, và ngay sau đó, ông cũng phải quyết định có bán 66 chiếc phi cơ F-16. Lần cuối cùng Mỹ bán F-16 cho Đài Loan là năm 1992. “Bán F-16 cho Đài Loan sẽ là một vất đề lớn đối với chúng tôi", nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc nói. “Hợp tác trong những lĩnh vực khác tự nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng". Đình Ngân (Theo Washington Post)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/200910/My-muon-bat-tay-hop-tac-quan-su-voi-Trung-Quoc-873954/