Mỹ muốn cấm TikTok và điều gì đã xảy ra khi Ấn Độ làm điều này vài năm trước?

Vào tháng 6 năm 2020, Ấn Độ đã bất ngờ cấm ứng dụng phổ biến TikTok cùng với hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, sau cuộc đụng độ quân sự dọc biên giới Ấn Độ-Trung Quốc

Khi đó, Chính phủ Ấn Độ viện dẫn những lo ngại về quyền riêng tư và nói rằng các ứng dụng của Trung Quốc gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của Ấn Độ.

Các tình nguyện viên của đạo Sikh treo tấm biển ghi ‘Tiktok bị cấm ở đây’, tại Đền Vàng ở Amritsar. Ảnh: AFP

Vài tháng trước lệnh cấm, Ấn Độ cũng đã hạn chế đầu tư từ các công ty Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Ấn Độ có khoảng 200 triệu người dùng TikTok, nhiều nhất bên ngoài Trung Quốc. Và công ty cũng tuyển dụng hàng nghìn người Ấn Độ.

Khi Ấn Độ cấm TikTok, người dùng và người sáng tạo nội dung cần một nơi thay thế để hoạt động. Và lệnh cấm đã mang đến cơ hội trị giá hàng tỷ đô la, một thị trường lớn cho các đối thủ. Trong vòng vài tháng, Google đã tung ra YouTube Shorts và Instagram đã tung ra tính năng Story. Cả hai đều bắt chước cách tạo video dạng ngắn mà TikTok đã làm rất xuất sắc.

Nikhil Pahwa, chuyên gia chính sách kỹ thuật số cho biết: “Và cuối cùng họ đã chiếm được phần lớn thị trường mà TikTok đã bỏ trống”.

Nhà sáng tạo nội dung Winnie Sangma nhớ việc đăng video lên TikTok và kiếm được một ít tiền. Nhưng sau lệnh cấm, anh đã chuyển sang Instagram và hiện có 15.000 người theo dõi. Phần lớn quá trình này diễn ra tương đối "êm đềm".

“Tôi cũng đã xây dựng được lượng người theo dõi trên Instagram và tôi đang kiếm tiền từ nó, nhưng trải nghiệm không giống như trước đây trên TikTok”, anh nói.

Rajib Dutta, một người thường xuyên lướt TikTok, cũng đã chuyển sang Instagram sau lệnh cấm. “Đó thực sự không phải là một vấn đề lớn”, anh nói.

Ở Ấn Độ, lệnh cấm vào năm 2020 được thực hiện nhanh chóng. Nhưng tình hình ở Mỹ lại khác, Pahwa nói. “Ở Ấn Độ, TikTok quyết định không ra tòa, nhưng Mỹ là thị trường có doanh thu lớn hơn đối với họ. Ngoài ra, Tu chính án thứ tư ở Mỹ khá mạnh mẽ, vì vậy Mỹ sẽ không dễ dàng thực hiện điều này như đối với Ấn Độ”.

Khi các ứng dụng Trung Quốc ngày càng phổ biến trên khắp thế giới, Pahwa cho rằng các quốc gia cần đánh giá sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc và phát triển cách giảm thiểu điều đó vì các ứng dụng này có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia.

TikTok hiện cũng đã bị cấm ở Pakistan, Nepal và Afghanistan và bị hạn chế ở nhiều quốc gia ở châu Âu.

Mai Anh (theo AFP, SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-muon-cam-tiktok-va-dieu-gi-da-xay-ra-khi-an-do-lam-dieu-nay-vai-nam-truoc-post293198.html