Mỹ muốn kéo dài cuộc chiến Donbass, không phạm lằn ranh Nga

Mỹ muốn duy trì xung đột ở miền đông Ukraine đưa quân đến sát biên giới Nga thay vì phạm đến giới hạn đỏ.

Washington vừa cam kết hỗ trợ gói tài chính 200 triệu USD cho Quỹ hỗ trợ an ninh của Ukraine. Gói hỗ trợ này được Mỹ quyết từ nhiều tháng trước nhưng vẫn phong tỏa chờ Ukraine đáp ứng “một số cải cách quốc phòng” theo yêu cầu của Mỹ.

Mỹ không muốn phạm lằn ranh đỏ của Nga, tiếp tục đẩy xung đột ở Ukraine.

Gói hỗ trợ được cho là sẽ sử dụng vào huấn luyện, trang bị các hệ thống radar, xe đa chức năng khả năng di động cao Humvee, kính bảo hộ tăng tầm nhìn ban đêm, các thiết bị liên lạc và y tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, bằng việc thông qua luật an ninh quốc gia mới vào đầu tháng 7, Ukraine đã thỏa mãn các yêu cầu “cải cách quốc phòng” của Mỹ, đáp ứng tiêu chuẩn được Mỹ hỗ trợ quân sự.

“Mỹ sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Ukraine cải cách quốc phòng và an ninh, nhằm tăng khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” – theo bà Nauert.

Ngoài ra, đầu tháng này, quân đội Mỹ và Ukraine đã cùng thực hiện một cuộc tập trận chung lớn mang tên Sea Breeze 2018. Phía Mỹ tham gia có hai tàu chiến, 850 lính thủy đánh bộ và thủy thủ. Nga lên án cuộc tập trận này rằng đây là “một nỗ lực gây căng thẳng” khu vực.

Cùng với việc hỗ trợ an ninh gồm các thiết bị giúp Ukraine "toàn vẹn lãnh thổ", Washington cũng từ chối một đề xuất hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Putin đã đề xuất một phương án nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài ở Donbass - miền Đông Ukraine. Đó là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại 2 quốc gia Cộng hòa tự xưng đòi độc lập là Donetsk và Lugansk.

Việc tồn tại hai nước Cộng hòa này sẽ nằm trong Nhà nước Liên bang Ukraine, được trao quy chế một nhà nước thuộc Nhà nước Liên bang theo kiểu Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga.

Điều này cũng có nghĩa các nước tự xưng ở miền Đông Ukraine sẽ được trao nhiều quy chế tự trị hơn và chính quyền Ukraine kiên quyết phủ nhận sự ưu ái đó.

Mỹ ủng hộ quyết định của Ukraine, từ chối đề xuất của Tổng thống Putin.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Garrett Marquis tuyên bố: “Chính phủ không cân nhắc ủng hộ trưng cầu dân ý ở Đông Ukraine. Thỏa thuận Minks là tiến trình giải quyết xung đột ở Donbas và thỏa thuận này không bao gồm giải pháp trưng cầu dân ý. Hơn nữa, tổ chức trưng cầu dân ý ở một khu vực không nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine là không hợp pháp”.

Mỹ có lý do để không muốn kết thúc cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Đây là mặt trận giáp biên giới Nga mà Mỹ có thể dễ dàng tìm cách sử dụng quân đội để tiến vào vùng xung đột.

Một dự thảo nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc được Ukraine và Mỹ đề xuất nhằm giải quyết cuộc chiến ở miền Đông Ukraine là đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tới khu vực xung đột.

Dự thảo này đã bị Nga phủ quyết bởi thực chất là đưa quân đến biên giới Nga chứ không nhằm giải quyết mâu thuẫn nội tại của Ukraine và phe ly khai ở miền Đông.

Đặt giả thiết nếu Washington đồng ý với một phương án tốt đẹp để miền Đông Ukraine được hòa bình, đó cũng là khi họ tiếp tục các quy trình chấp nhận Ukraine gia nhập NATO vì quốc gia này đang dần hoàn thiện các tiêu chuẩn của liên minh quân sự hiện đại bậc nhất châu Âu, và đạt điều kiện tối thiểu là không có xung đột trong nước.

Nhưng khi Ukraine gia nhập vào NATO, sẽ xảy ra một khả năng dường như chắc chắn là Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục nhắc lại điệp khúc về con số 2% chi phí quân sự mà các thành viên liên minh phải đóng góp.

Chưa kể, khi đó, Washington còn phạm phải lằn ranh đỏ với Moscow và một cuộc chiến khác bùng nổ hơn rất nhiều cuộc xung đột ở Donbass sẽ xảy ra.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-muon-keo-dai-cuoc-chien-donbass-khong-pham-lan-ranh-nga-3362271/