Mỹ muốn quay lại TPP vì lợi ích của chính mình

TPP vẫn để ngỏ cửa cho Mỹ trở lại nhưng trước hết, dứt khoát Mỹ phải chấp nhận các điều khoản của hiệp định đã được 11 nước thống nhất.

Hồi tâm chuyển ý

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ít nhất 2 lần đề cập tới khả năng đưa Mỹ quay lại Hiệp định TPP nhưng với điều kiện Washington phải đạt được một số thỏa thuận tốt hơn nhiều so với thỏa thuận mà ông mô tả là "kinh khủng" trước đây.

Việc đánh tiếng nói trên diễn ra một năm sau khi ông Trump chỉ đạo cho đại diện thương mại rút Mỹ khỏi TPP và tuyên bố ông sẽ tìm kiếm các thỏa thuận riêng lẻ với các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) không bất ngờ trước những tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng bởi trước đó, ông đã nhiều lần khẳng định, sớm muộn gì Mỹ cũng quay trở lại TPP vì lợi ích của chính nước Mỹ và của các tập đoàn kinh tế Mỹ.

"Tôi vẫn tin rằng Mỹ sẽ quay trở lại TPP, vấn đề là lúc nào mà thôi, vì chủ trương phát triển thương mại song phương của Tổng thống Donald Trump không thực tế và không thực hiện được. Ngay cả Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đàm phán 1 năm trời mà cũng chưa chắc đã đi đến đâu. Đó là một thực tiễn.

Thực tiễn thứ hai mà ông Trump phải đối mặt, đó là vấn đề lợi ích của các tập đoàn Mỹ. Bởi đụng đến lợi ích của mình nên các tập đoàn sẽ không để ông Trump muốn làm gì thì làm. Họ sẽ tìm cách vận động và bằng chứng là một loạt nghị sĩ đã lên tiếng thúc giục ông Trump đổi ý với Hiệp định TPP.

TPP là của người Mỹ viết, thể hiện ý đồ tầm nhìn, trình độ, là kiến thức pháp luật của người Mỹ. Các chuyên gia pháp lý của Mỹ thiết kế TPP vì lợi ích của nước Mỹ và ngoài họ ra, không ai có thể thiết kế một bản hiệp định đồ sộ, chặt chẽ và hoàn chỉnh như vậy.

Bởi vậy, dần dần ông Trump sẽ phải hồi tâm chuyển ý", ông Nguyễn Đình Lương nhận xét.

Sau một năm tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, Tổng thống Donald Trump đánh tiếng Mỹ có thể quay lại hiệp định này

Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA cũng nhấn mạnh, từ việc Mỹ phát tín hiệu trở lại TPP cho đến khi nó thành hiện thực cũng còn rất lâu.

"Phải xem ông Trump đòi hỏi những gì, có thực tế hay không và 11 nước thành viên TPP có chịu không. Nhưng cũng phải thấy rằng các nước thành viên TPP vẫn để ngỏ cửa để cho Mỹ vào, vậy nên họ không bỏ bớt nhiều điều khoản được Mỹ cài đặt trong hiệp định mà chỉ tạm dừng", ông Nguyễn Đình Lương nói.

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khi ông Trump cũng cho rằng, việc Mỹ trở lại TPP chỉ là vấn đề thời gian. Tổng thống Donald Trump là một nhà kinh doanh và khi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP, ông chỉ có tầm nhìn của một người kinh doanh mà thiếu đi cái nhìn của một người đứng đầu một quốc gia, mà quốc gia đó lại là một cường quốc, đầu tàu phát triển của thế giới. Ông Trump mới chỉ nhìn ở góc độ làm thế nào để các doanh nghiệp Mỹ được lợi nhiều nhất mà quên rằng thế giới ngày nay đan xen và phụ thuộc lẫn nhau, không thể chỉ có chuyện mình Mỹ được lợi, còn các nước xung quanh phải chịu thiệt.

"Đến giờ, khi có đầy đủ thông tin, tầm nhìn và cả những trải nghiệm được mất trong quan hệ quốc tế thì ông Trump mới nhận ra rằng rút Mỹ khỏi TPP là nóng vội. Nếu Mỹ tách rời khỏi các quan hệ thương mại đa phương thì chính Mỹ sẽ chịu thiệt thòi, có nhiều nước sẵn sàng thay Mỹ nhận lấy cương vị dẫn đầu", ông Thịnh nói.

Nhấn mạnh giới chức Mỹ đã tuyên bố Mỹ có thể trở lại TPP với một vị thế khác và bản thân các quốc gia thành viên TPP vẫn mong Mỹ trở lại nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý rằng, đúng là Mỹ sẽ trở lại TPP với một thế khác nhưng nó không thể bằng cái thế ban đầu khi Mỹ đóng vai trò chủ đạo, là người cầm trịch trong TPP trước đây.

"Nếu Mỹ muốn quay trở lại TPP thì phải chấp nhận những điều khoản mà 11 nước thành viên đã chốt lại. Nếu sau này Mỹ muốn bổ sung điều khoản nào thì đàm phán sau, kể cả những điều khoản đang tạm hoãn.

Các nước mong muốn Mỹ quay trở lại hiệp định nhưng không có Mỹ thì CPTPP (tên gọi mới của TPP) vẫn ra đời và các hoạt động của nó tiến triển rất nhanh. Nói cách khác, không có Mỹ thì CPTPP vẫn tự vận hành.

Chỉ có điều với mong muốn có nguồn lực nhiều hơn, khối lượng thương mại lớn hơn đổ vào khối kinh tế này nên các nước thành viên đều mong sự tham gia của Mỹ. Các nước có thể chấp nhận đàm phán lại điều khoản nào đó với Mỹ, nhưng đó là chuyện về sau, còn trước hết Mỹ muốn quay lại thì phải chấp nhận những điểm mà 11 quốc gia thành viên CPTPP đã thống nhất.

Như đã nói, những gì ông Trump nói và làm khi tranh cử hay lúc mới đắc cử chỉ ở tầm một người kinh doanh, còn khuôn khổ quan hệ quốc tế phải khác, phải có đi có lại. TPP là hiệp định mà các nước phải có lợi ích thì mới tham gia, đồng thời mỗi nước cũng phải chịu thiệt đi một chút để nước khác cũng được lợi. Điều mà ông Trump và nước Mỹ đã quên là họ muốn được tất cả, còn các nước khác phải chịu thiệt, điều đó là không thể chấp nhận và không thể có", vị chuyên gia phân tích.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/my-muon-quay-lai-tpp-vi-loi-ich-cua-chinh-minh-3353538/