Mỹ muốn tái lập căn cứ ở Thái Lan?

Tư lệnh Lục quân Thái Lan Apirat Kongsompong phủ nhận việc Mỹ tìm kiếm thành lập một căn cứ quân sự trên lành thổ Thái Lan.

Lập căn cứ trên đất Thái?

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat nói sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville ngày 10/7 rằng Thủ tướng Prayut đã cảm ơn phía Mỹ vì tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hồi hương của công dân Thái và giúp đỡ Thái Lan chống đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Prayut được dẫn lời khẳng định sự sẵn sàng của Thái Lan làm việc với Mỹ để khôi phục nền kinh tế Thái Lan. Ông Prayut cũng nói rằng Thái Lan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ khu vực tư nhân của Mỹ ở Thái Lan.

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville (trái) và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville (trái) và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha

Trong chuyến thăm Thái Lan 2 ngày 9-10/7, Đại tướng McConville cũng gặp Tư lệnh Lục quân Thái Lan Apirat Kongsompong để thảo luận các quan hệ quân sự giữa hai nước và ký Tuyên bố Tầm nhìn Chiến lược, một văn kiện vạch ra tầm nhìn và những mục tiêu của hai nhân vật lãnh đạo lục quân khi họ làm việc để làm sâu sắc hơn liên minh quân sự tồn tại 65 năm qua giữa Mỹ-Thái Lan và chuẩn bị cho tương lai của liên minh này.

Văn bản Tuyên bố Tầm nhìn Chiến lược chưa được công bố, song Đại sứ quán Mỹ cho biết Tướng McConville và ông Apirat đã "thảo luận về việc hiện đại hóa, tương tác, huấn luyện chung và nguyên tắc chỉ đạo".

Theo Reuters, Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất của Washington tại châu Á, song mối quan hệ đã trở nên căng thẳng hơn sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 do ông Prayuth, khi đó là lãnh đạo quân đội, dẫn đầu, lật đổ chính quyền dân sự.

Mỹ đã giảm bớt hoạt động trao đổi quân sự với Thái Lan và Bangkok đã đáp lại bằng cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã cải thiện sau khi cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái đã chính thức khôi phục chính quyền dân sự đồng thời giữ ông Prayuth ở vị trí một nhà lãnh đạo dân sự.

Điều này mang lại một thỏa thuận mua vũ khí của Mỹ, bao gồm các xe thiết giáp chở binh sĩ và máy bay trực thăng tấn công hạng nhẹ. Theo một thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth ngày 10/7 cũng khẳng định Mỹ viện trợ 2 triệu USD giúp Thái Lan đối phó với dịch COVID-19.

Binh sĩ Mỹ và Thái Lan trong cuộc tập trận chung Gold Cobra tại Phitsanulok, Thái Lan hồi tháng 2/2019

Trong khi đó, tờ Bangkok Post ngày 9/7 đưa tin Tư lệnh Lục quân Thái Lan Apirat Kongsompong đã phủ nhận việc Mỹ tìm kiếm thành lập một căn cứ quân sự trên lành thổ Thái Lan.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, Đại tướng Apirat nói rằng các binh sĩ Thái Lan và Mỹ mới chỉ tiến hành cuộc tập trận quân sự chung mang mật danh Hổ mang Vàng (Cobra Gold), một cuộc trập trận đa quốc gia được tổ chức thường niên ở Thái Lan.

Đại tướng Apirat nhấn mạnh Mỹ không đề nghị sử dụng lãnh thổ Thái Lan như là một địa điểm để xây căn cứ. Tuy nhiên, ông Apirat nói rằng các binh sĩ Mỹ đã để lại một số thiết bị quân sự mà họ triển khai trong các cuộc tập trận ở Thái Lan. Ông Apirat đề nghị: "Đừng khuấy động các vấn đề mà có thể gây xung đột trong khu vực".

Bóng dáng Trung Quốc

Bình luận về chuyến thăm của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville tới Thái Lan, Reuters cho rằng Tuyên bố Tầm nhìn Chiến lược là bước đi để Washington tái khẳng định các cam kết của mình trong khu vực với đồng minh.

Theo Reuters, Mỹ đang tìm cách ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, và nỗ lực mới đây nhất là việc triển khai 2 tàu sân bay tới Biển Đông ngay thời điểm quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Mỹ đang phát tín hiệu giữ vững cam kết với các đồng minh và đối tác

Trang mạng của Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok dẫn lời Tướng McConville nói: “Liên minh của chúng ta đã có một lịch sử lâu đời và hiệu quả, và giờ chúng ta đang cùng nhau đương đầu với các thách thức của thế kỷ 21… Hai nước tiến hành hàng trăm hoạt động huấn luyện và các sự kiện quân sự chung mỗi năm, và chúng tôi đang phối hợp đồng bộ với Chính phủ Hoàng gia Thái Lan để đảm bảo tất cả các kế hoạch huấn luyện được tiến hành phù hợp với nguyên tắc phòng dịch”.

Ông McConville cũng đã tới thăm Viện Nghiên cứu Khoa học Y tế Quân đội (AFRIMS), một trung tâm y tế truyền nhiễm liên kết Mỹ-Thái, nơi tiến hành các chương trình nghiên cứu tân tiến về dịch bệnh suốt nhiều thập kỷ qua. Các nhà khoa học hai nước tại AFRIMS đang cùng tìm kiếm các phương thức phòng chống và điều trị nhiều năm bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới như sốt rét, sốt xuất huyết và COVOID-19.

Động thái của Mỹ đối với Thái Lan diễn ra trong bối cảnh giới phân tích chỉ ra rằng Bangkok thời gian qua đã không ngừng tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm do đại dịch COVID-19. Kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ giảm 6,7% trong năm 2020. Sáu triệu người Thái Lan đã mất việc làm và từ nay đến cuối năm có thể có thêm 4 triệu người nữa bị mất việc.

Binh sĩ Thái Lan và Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung ở tỉnh Chon Buri của Thái Lan

Để trang trải cho các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu các bộ của chính phủ cắt giảm 10% ngân sách. Tháng 4/2020, sau khi đối mặt với sự chỉ trích ngày càng lớn từ dư luận về các kế hoạch chi tiêu của mình, Bộ Quốc phòng Thái Lan đã nói rằng một số đơn mua sắm quan trọng sẽ được hoãn lại, trong đó có 2 tàu ngầm từ Trung Quốc, các máy bay đào tạo phi công từ Hàn Quốc và 60 xe chiến đấu bọc thép Stryker thứ hai từ Mỹ.

Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan (RTAF) từng trải qua tình trạng tương tự khi nền kinh tế Thái Lan chao đảo trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Khi đó, RTAF đã buộc phải hoãn việc mua sắm các máy bay chiến đấu phản lực, tàu ngầm, xe tăng và đạn dược mới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều khiến cuộc khủng hoảng năm 2020 khác biệt so với cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 là RTAF hiện có một "mạnh thường quân" sẽ đảm bảo cho các nhu cầu của họ được đáp ứng, đó là Trung Quốc. Hợp tác quốc phòng Thái-Trung đã tồn tại từ lâu, song kể từ cuộc đảo chính năm 2014, mối quan hệ này đã phát triển rất nhanh.

Xe tăng VT-4 do Trung Quốc sản xuất

Trung Quốc bán cho RTAF 50 xe tăng VT-4 và 30 xe bọc thép ZBL-09, và hiện có các đơn hàng cung ứng cho Thái Lan 3 tàu ngầm S-26T trong một hợp đồng mua 2 tặng 1 trị giá 1,03 tỷ USD, cũng như một hợp đồng mua tàu đổ bộ (LPD) Type 071-E 22.000 tấn, trị giá 192 triệu USD.

Các lực lượng vũ trang Thái Lan là quân đội duy nhất ở Đông Nam Á tổ chức các cuộc tập trận thường niên với cả ba nhánh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Trong khi đó, đồng minh hiệp ước của Thái Lan là Mỹ vẫn lạnh nhạt với RTAF mãi đến khi chính quyền Trump sưởi ấm mối quan hệ vào năm 2017.

Theo giới phân tích, khi Trung Quốc bán vũ khí cho một quốc gia khác, họ đều có được sức ảnh hưởng trong các lực lượng vũ trang của nước đó. Đó là vì trang thiết bị họ sẽ mua cần phải có những bộ phận thay thế khi hỏng và các loại đạn dược trong suốt tuổi thọ hoạt động của chúng (thường là 20 đến 30 năm). Khi Trung Quốc gia tăng được sức ảnh hưởng trong RTAF, điều này cũng giúp họ có khả năng “cản trở” liên minh Mỹ-Thái.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-muon-tai-lap-can-cu-o-thai-lan-3412324/