Mỹ, NATO rút quân khỏi Afghanistan: Nhúng chân vào dễ dàng hơn rời bỏ

Ngày 14/4, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố sẽ cùng với Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan. Dư luận truyền thông Đức có nhiều ý kiến về vấn đề này.

Ngày 14/4, NATO tuyên bố sẽ cùng với Mỹ kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan. (Nguồn: MGN)

Ngày 14/4, NATO tuyên bố sẽ cùng với Mỹ kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan. (Nguồn: MGN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 tới, đúng 20 năm sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu của al-Qaeda nhằm vào Mỹ, châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài của Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này. Tiếp đó, NATO cũng tuyên bố sẽ cùng với Mỹ kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan.

Quyết định không dễ dàng

Truyền hình Làn sóng Đức (DW) có bài "NATO quyết định kết thúc sứ mệnh Afghanistan", bình luận rằng cuộc chiến tại Afghanistan là cuộc chiến dài nhất và gây thiệt hại nhiều nhất cho NATO.

Giờ đây, việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia này đồng nghĩa với việc rút tất cả các lực lượng quốc tế tại đây. Tương lai chính trị của đất nước Tây Nam Á này vẫn không chắc chắn.

DW dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói về quyết định rút quân khỏi Afghanistan: "Đây không phải là sự kết thúc, đây là sự khởi đầu cho một chương mới". Giờ đây, chính người Afghanistan sẽ tự xây dựng nền hòa bình bền vững của họ.

Ông Stoltenberg thừa nhận rằng đó không phải một quyết định dễ dàng, nó chứa đựng nhiều rủi ro. Việc rút quân sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 và hoàn thành sau một vài tháng.

Tại Afghanistan hiện nay có sự hiện diện quân sự của 36 quốc gia (thuộc NATO và các đồng minh khác). Theo Tổng thư ký NATO, liên minh đã phải trả giá đắt trong 20 năm qua với hơn 3.500 binh sĩ thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương.

Hãng Thông tấn Đức (DPA) bình luận rằng Mỹ không còn sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của họ nữa. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan có thể mang lại lợi ích cho Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chi phí chiến tranh thực tế lớn hơn nhiều so với lợi ích đạt được. Và hiện ông Biden muốn tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực cho việc cạnh tranh với Trung Quốc và các cường quốc khác.

Đức hoan nghênh quyết định rút quân

Sau Mỹ, Đức là nhà cung cấp lực lượng quân sự lớn thứ hai cho các chiến dịch của NATO ở Afghanistan. Đức hiện có 1.100 binh sỹ đang làm nhiệm vụ ở đây trong tổng số khoảng 10.000 quân của NATO, trong khi Mỹ có 2.500 quân.

Quân đội Đức đã phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề tại đất nước Tây Nam Á này. 59 lính Đức thiệt mạng, 35 người trong số họ chết trong chiến đấu hoặc trong các cuộc tấn công của Taliban. Afghanistan cũng là nơi Đức triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài lâu thứ hai sau Kosovo.

Hiện vẫn chưa rõ quyết định rút quân sẽ mang lại hậu quả như thế nào đối với các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Taliban có thể trở lại nắm quyền sau khi NATO rút quân.

Theo báo Thời đại (Die Zeit), Mỹ sẽ kết thúc cuộc chiến dài nhất nhưng có thể sẽ khiến Afghanistan rơi vào tình trạng hỗn loạn tồi tệ hơn.

Một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban dường như ngày càng xa vời. Giờ đây các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng sẽ từ chối các cuộc đàm phán quốc tế.

Sau hơn 40 năm bạo lực, người Afghanistan muốn hòa bình, nhưng giờ điều đó dường như trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Báo Die Zeit cho biết quân đội Đức hoan nghênh việc rút quân theo kế hoạch của NATO và cả binh lính Đức khỏi Afghanistan.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các lực lượng vũ trang Đức André Wüstner, đó là một quyết định hợp lý và có "ý nghĩa lịch sử" bởi nó đánh dấu sự kết thúc nhiệm vụ quan trọng nhất và đồng thời mất mát nhất của quân đội Đức. Hiện giờ, vấn đề là tổ chức cho những người lính trở về Đức an toàn.

Ông Biden thời làm Phó Tổng thống thăm quân đội Mỹ tại tỉnh Maidan Wardak, Afghanistan, năm 2011. (Nguồn: Reuters)

Hiện thực hóa lời hứa tranh cử

Theo tạp chí Tiêu điểm (Focus), với việc rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ không còn tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào nữa. Cuộc chiến này cho thấy rõ ràng rằng việc nhúng chân vào một cuộc chiến dễ dàng hơn nhiều so với việc rời bỏ nó.

Năm 2001, dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, chưa đầy 4 tuần sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9, nước này đã ném những quả bom đầu tiên xuống Afghanistan, sau đó là triển khai quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại đất nước này.

Việc rút quân khỏi Afghanistan là một trong những lời hứa của ông Biden khi ông tranh cử tổng thống. Người tiền nhiệm Donald Trump cũng đã hứa như vậy, nhưng không thể thực hiện được.

Bất chấp các cuộc tấn công liên tục của Taliban nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường Afghanistan, chính quyền ông Biden nói rõ rằng việc rút quân là vô điều kiện.

Đây là một sự khác biệt so với quan điểm trước đây của Mỹ. Mối đe dọa khủng bố từ Afghanistan đối với Washington không còn lớn đến mức cần thiết phải có sự hiện diện của quân đội tại quốc gia Tây Nam Á này.

Các vấn đề nội bộ của Afghanistan không thể được giải quyết bởi quân đội nước ngoài. Sau gần 20 năm tiến hành cuộc chiến, đây có thể được coi là lời tuyên bố thất bại muộn màng của Mỹ.

Theo báo Thế giới (Die Welt), rút quân khỏi Afghanistan là một trong những quyết định khó khăn nhất của ông Biden trong nhiệm kỳ tổng thống. Cả hai lựa chọn rút quân hay không rút quân đều được coi là có nhiều rủi ro.

Một nhóm chuyên gia đã khuyến nghị rằng chính phủ Mỹ nên duy trì Thỏa thuận Doha nhưng không rút quân vào ngày 1/5 mà chỉ rút khi Taliban hoàn thành nghĩa vụ của họ.

Tuy nhiên, việc ở lại Afghanistan sau ngày 1/5 dẫn tới nguy cơ quân đội NATO sẽ lại trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bạo lực từ Taliban. Để đề phòng điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã ra lệnh tăng cường các biện pháp bảo vệ cho các binh sĩ Đức đang làm nhiệm vụ tại đất nước này.

Trong trường hợp rút quân vào ngày 1/5, các chuyên gia đã nhìn thấy nguy cơ Taliban nắm chính quyền, một cuộc nội chiến khác, mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ và một cuộc khủng hoảng tị nạn khác đối với EU.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-nato-rut-quan-khoi-afghanistan-nhung-chan-vao-de-dang-hon-roi-bo-142476.html