Mỹ né tránh hợp tác quốc tế phát triển vaccine COVID-19

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết họ sẽ không tham gia phát triển và phân phối vaccine COVID-19, vì họ không muốn bị hạn chế bởi các nhóm đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Quyết định không tham gia vào Chương trình Tiếp cận vaccine COVID-19 Toàn cầu theo sau quyết định rút Mỹ ra khỏi WHO. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố WHO đang cần cải tổ và chịu ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc.

Mỹ né tránh hợp tác quốc tế phát triển vaccine COVID-19. Ảnh: indianexpress

Mỹ né tránh hợp tác quốc tế phát triển vaccine COVID-19. Ảnh: indianexpress

Chương trình Tiếp cận vaccine COVID-19 Toàn cầu (COVAX) là kế hoạch do WHO và Liên minh Vaccine Gavi đồng dẫn đầu, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu rộng rãi hơn vaccine COVID-19. Sáng kiến COVAX hiện có sự tham gia của 172 quốc gia và có sự ủng hộ của các đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Đức và EU.

Judd Deere, phát ngôn viên Nhà Trắng, cho biết: “Mỹ sẽ tiếp tục thu hút các đối tác quốc tế, đảm bảo tiêu diệt nCoV. Nhưng chúng tôi không muốn bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương, chịu ảnh hưởng từ WHO và Trung Quốc".

Theo Washington Post, quyết định trên sẽ cản trở Mỹ trong cuộc đua vaccine COVID-19. Tờ này dẫn lời Kendall Hoyt, giáo sư trợ lý tại Trường Y Geisel của Dartmouth, ví động thái trên với việc lựa chọn không mua bảo hiểm. Bà cho rằng đáng lẽ Mỹ vẫn nên tham gia COVAX song song với theo đuổi các thỏa thuận song phương cùng các công ty dược phẩm.

Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, nhận định: “Mỹ đang đánh canh bạc lớn bằng chiến lược bước một mình”.

COVAX được đưa ra nhằm hạn chế tích trữ, tập trung tiêm chủng đồng đều cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở mọi quốc gia. Sự vắng mặt của Mỹ có thể khiến mục tiêu này trở nên khó khăn hơn.

Kịch bản xấu nhất là tất cả vaccine COVID-19 của Mỹ đều thất bại, khiến nước này không còn lựa chọn tiêm chủng cho người dân khi đã từ chối hợp tác quốc tế.

Kịch bản khác là một “ứng viên” được phê duyệt, song quốc gia quyết định tích trữ nguồn cung, ưu tiên tiêm chủng cho công dân mình, trong khi các nước khác không có vaccine COVID-19.

Các chuyên gia về y tế chỉ ra ít nhất hai vấn đề với chiến lược trên.

Thứ nhất, vaccine COVID-19 mới không đủ khả năng bảo vệ cho tất cả mọi người. Một bộ phận dân Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi các ca bệnh nhập khẩu.

Thứ hai, sự phục hồi của Mỹ phụ thuộc và nền kinh tế ở các khu vực khác. Nếu phần lớn quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn.

WHO lập luận các quốc gia không cần lựa chọn một phương án duy nhất. Họ hoàn toàn có thể theo đuổi cả hai chiến lược: hợp tác với hãng dược phẩm và tham gia chương trình toàn cầu.

Mạnh Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/my-ne-tranh-hop-tac-quoc-te-phat-trien-vaccine-covid-19-117343.html