Mỹ-Nga: Lững lờ và kỳ vọng...

Đối diện với những thách thức nghiêm trọng trong nước và quốc tế, một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga không phải là điều mà ông Biden tìm kiếm.

Sự khởi đầu kịch tính

Trước và ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát đi thông điệp cứng rắn với Nga. Tuy nhiên, những ngày đầu tiên làm chủ Nhà Trắng của ông Biden lại chứng kiến những bước đi đầy kịch tính, từ đề xuất gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) cho đến cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Theo giới phân tích, Tổng thống Mỹ Biden đã sớm phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có một vấn đề gai góc là phải hành động cân bằng trong mối quan hệ với Nga để vừa bày tỏ lập trường cứng rắn trước Tổng thống Putin, vừa đảm bảo không gian ngoại giao trong thời kỳ hậu Donald Trump. Theo đó, mối quan hệ Putin-Biden được cho là sẽ khác với mối quan hệ giữa Putin-Trump, người “ngưỡng mộ” nhà lãnh đạo Nga.

Lãnh đạo Nga-Mỹ có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Biden làm chủ Nhà Trắng

Lãnh đạo Nga-Mỹ có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Biden làm chủ Nhà Trắng

Không giống như những người tiền nhiệm, ông Biden không nuôi hy vọng về một sự tái thiết trong quan hệ với Nga. Thay vào đó, ông chỉ ra rằng điều mà chính quyền mới hướng đến là kiểm soát những khác biệt với cựu thù Chiến tranh Lạnh, không nhất thiết phải giải quyết những khúc mắc này hay cải thiện quan hệ.

Thay vào đó, đối diện với những thách thức nghiêm trọng trong các vấn đề nội bộ và nhiều quyết định cấp bách về Iran hay Trung Quốc, một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga không phải là điều mà ông Biden tìm kiếm.

Theo AFP, Tổng thống Mỹ Biden đã thể hiện lập trường cứng rắn trong mối quan hệ với Nga ngay từ cuộc điện đàm đầu tiên trên cương vị mới với nhà lãnh đạo của Điện Kremlin, nêu bật những lo ngại về vấn đề như vụ Navalny và sự “quyết đoán” của Nga tại Ukraine, song cũng bày tỏ sự hoan nghênh đối với hợp tác song phương nhằm duy trì thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa tân tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Nga là việc cả Moscow và Washington đều tỏ rõ thiện chí hướng đến hợp tác trong vấn đề hạt nhân dù còn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Nhà Trắng cho biết hai bên đã nhất trí nhanh chóng xúc tiến để sớm hoàn thành việc đàm phán các thủ tục gia hạn thêm 5 năm hiệp ước New START trước khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 2 tới.

Ông Biden muốn "hòa" Nga để ưu tiên giải quyết các thách thức khác?

Kremlin cũng cho biết trong cuộc điện đàm, cả Tổng thống Putin và Tổng thống Biden đều “hài lòng” về các cuộc đối thoại. Nhà lãnh đạo Nga sau đó đã trình Quốc hội dự thảo luật gia hạn New START. AFP đánh giá rằng những động thái này đã làm dấy lên hy vọng về một sự ổn định hơn trong quan hệ giữa hai cường quốc vũ trang bậc nhất thế giới này và đặt dấu chấm hết cho những bất ổn dưới thời Donald Trump.

Điện Kremlin không đề cập tới những vấn đề căng thẳng giữa hai nước và chỉ nói rằng giới lãnh đạo cũng thảo luận về một số “vấn đề cụ thể trong nghị trình song phương và quốc tế”. Kremlin miêu tả cuộc điện đàm là thẳng thắn và thực tế. Giới phân tích nhận định đây là cách nói ngoại giao thường được sử dụng để nói về những cuộc trao đổi căng thẳng. Trong số những nội dung được đề cập có các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19, thỏa thuận hạt nhân Iran, Ukraine, các vấn đề liên quan tới thương mại và kinh tế.

Tín hiệu lạc quan cho Nga?

Cách tiếp cận của ông Biden nhận được sự ủng hộ của một số cựu quan chức ngoại giao Mỹ, những người từng phụ trách các vấn đề liên quan đến Nga, và đang trông đợi xem đội ngũ mới của ông Biden, gồm cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và người được đề cử vào vị trí thứ ba tại Bộ Ngoại giao là Victoria Nuland, sẽ xây dựng chính sách về Nga như thế nào.

Bà Nuland được đánh giá là người không được lòng ông Putin và giới chức Nga vì bà có lập trường ủng hộ các chính trị gia thân phương Tây ở Ukraine và từng là người phụ trách mối quan hệ với châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Victoria Nuland và Jake Sullivan được cho là có cùng quan điểm trong chính sách đối phó với Nga, cụ thể là lập trường cứng rắn trong vấn đề nhân quyền, các toan tính của Nga tại Đông và Trung Âu, song vẫn duy trì đường lối cởi mở với Điện Kremlin trong một số hồ sơ khác.

Cái bắt tay giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Nga V. Putin đã không đồng nghĩa với sự cải thiện quan hệ song phương

Truyền thông quốc tế cho biết, cuộc điện đàm là do Nhà Trắng khởi xướng nhằm thảo luận tiến trình gia hạn New START, thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 5/2 tới. Trong khi đó, AP lại dẫn lời các quan chức Mỹ đề nghị giấu tên nói rằng Moscow đã chủ động liên lạc và đề xuất tiến hành một cuộc điện đàm hồi tuần trước. Theo đó, Tổng thống Biden đã chấp nhận cuộc gọi song muốn trước đó có sự chuẩn bị với đội ngũ quan chức chính quyền và trao đổi với các đồng minh châu Âu, trong đó có giới lãnh đạo Anh, Pháp và Đức.

Những diễn biến mới cho thấy mối quan hệ Nga-Mỹ có thể sẽ tiếp tục diễn biến đầy kịch tính trong thời gian tới dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, những động thái liên quan tới New START vẫn nhận được sự kỳ vọng từ giới chuyên gia. Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, hoan nghênh bước đi mới của Moscow và Washington là quyết định sáng suốt “sẽ giúp hạn chế cuộc chạy đua vũ trang và tạo tiền đề cho những bước đi tham vọng hơn nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ hạt nhân, đồng thời đưa chúng ta tới gần hơn một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Ông Kimball nhấn mạnh: “Việc gia hạn START mới nên chỉ là bước đầu tiên… trong tiến trình ngoại giao giải giáp hạt nhân giữa Mỹ và Nga… Cả hai đều có trách nhiệm đặc biệt và có lợi ích quốc gia trong việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, tốn kém và nguy hiểm chết người của mình”.

Sức mạnh thực tế của Nga khiến Mỹ phải kiêng nể?

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Bondarev cho rằng mức độ tin cậy giữa Moscow và Washington đang tăng lên với các bước đi nhằm gia hạn New START.

Phát biểu trước báo giới, ông Bondarev nhấn mạnh: "Nhờ những công việc mà Tổng thống và Chính phủ của chúng ta đã thực hiện, mức độ tin cậy (giữa Nga và Mỹ) đang tăng lên. Chúng ta phải chấm dứt tranh cãi, chúng ta phải tìm ra những điểm chung để tạo điều kiện củng cố hơn nữa hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Tất cả những biện pháp được triển khai hiện nay đều khẳng định thiện chí của các chính trị gia và quân đội".

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-nga-lung-lo-va-ky-vong-3426685/