Mỹ ngã ngửa với thị trường tinh trùng

Bỏ không ít tiền, lựa chọn khó khăn, nhiều cặp đôi ở Mỹ nghĩ rằng sẽ có những đứa con khỏe mạnh nhưng sự thật lại khó ngờ.

17 năm trước, khi 30 tuổi, Cindy và người yêu đồng tính ao ước có một đứa con. Cả hai bỏ hàng giờ nghiềm ngẫm hồ sơ của người hiến tặng tinh trùng. Cuối cùng, họ chọn một người có hồ sơ bệnh án sạch sẽ và người thân ít bệnh tật. Dĩ nhiên, họ không biết tên người đàn ông, chỉ có thể nhận biết qua mã số nhận diện.

Cindy hạ sinh một bé trai khỏe mạnh. Cặp đồng tính nữ này tiếp tục chọn tinh trùng của cùng người đàn ông đó để thụ thai một lần nữa. Họ có hai cậu con trai.

Chuyện không có gì ầm ĩ cho đến khi họ phát hiện hai đứa con trai không có quan hệ huyết thống với người hiến tặng tinh trùng đã đăng ký. Hóa ra ngân hàng đã bán cho Cindy tinh trùng không phải từ người đàn ông cô đã lựa chọn cẩn thận mà từ một người hoàn toàn khác. Người đàn ông hiến tinh trùng xa lạ kia có bệnh sử không sạch. Người này có bà chết vì ung thư não ở tuổi 60, ông mắc bệnh Alzheimer và một người bà chết vì bệnh tim.

Nói về vấn đề này, Cindy tức giận: "Tôi cảm thấy ngân hàng tinh trùng đã làm hỏng nguồn gen những đứa con của tôi. Tôi không chọn người có thân nhân bị ung thư não. Tôi sẽ không bao giờ chọn người hiến tinh trùng đó. Họ (ngân hàng tinh trùng) nên xấu hổ khi giới thiệu người này trên website".

Tương tự Cindy, Melissa - một bà mẹ đơn thân ở Massachusetts - phát hiện phòng khám sinh sản Repro Lab ở thành phố New York cũng "đưa nhầm" tinh trùng. Melissa cho biết không có cách nào có thể phát hiện ra điều đó ngoại trừ khi cho con gái làm xét nghiệm ADN.

Trần tình về vụ việc, Awilda Grillo - Chủ tịch Repro Lab - nói tinh trùng Melissa nhận được 25 năm trước không phải do Repro Lab thu thập mà đến từ một ngân hàng tinh trùng ở bang California. Melissa đã đệ đơn khiếu nại dài 40 trang chống lại Repro Lab lên Sở Y tế bang New York nhưng phát hiện duy nhất chống lại Repro Lab của cơ quan này là tình trạng lưu giữ hồ sơ kém.

Không riêng Melissa, Jennifer Cramblett ở bang Ohio cũng đệ đơn kiện Ngân hàng tinh trùng Trung Tây vào năm 2014, tại Chicago, sau khi biết mình bị "trao nhầm" tinh trùng. Nhưng vụ kiện cũng không đi đến đâu. Có lẽ vụ nổi đình đám nhất là bác sĩ sản khoa Donald Cline bí mật dùng chính tinh trùng của mình để phục vụ các ca thụ tinh nhân tạo cho bệnh nhân nữ.

Tinh trùng được đông lạnh trong các ngân hàng tinh trùng. Ảnh: The Times.

Tinh trùng được đông lạnh trong các ngân hàng tinh trùng. Ảnh: The Times.

Theo The New York Times ngày 4/6, không có số liệu thống kê quốc gia ở Mỹ về số trẻ em được sinh ra qua thụ tinh nhân tạo mỗi năm, mặc dù một số chuyên gia ước tính con số này có thể lên tới 60.000.

Không ai theo dõi số người phát hiện tinh trùng họ mua không phải từ người hiến tặng mà mình đã chọn. Thế nhưng, càng về sau này, số người ngã ngửa vì chuyện đã rồi này ngày càng nhiều nhờ vào thử nghiệm ADN. Tình hình này dấy lên yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn ngân hàng tinh trùng và phòng khám sinh sản.

Ông Dov Fox, Giám đốc Trung tâm chính sách luật y tế và y đức, Đại học San Diego, cho biết: "Những câu chuyện này rất đau lòng và thực sự thách thức luật pháp. Chúng cũng phổ biến hơn nhiều so với những gì ta biết".

Năm 2016, chính quyền bang California thông qua đạo luật đưa ra một số biện pháp bảo vệ cho các gia đình có con thông qua hỗ trợ sinh sản. Ông Dov Fox đề xuất một khái niệm mới là "sinh sản bị xáo trộn" và nghĩ rằng cần có những quy định nghiêm ngặt hơn.

Trong một vụ xử liên quan đến sinh con từ tinh trùng bị "trao nhầm", Tòa án Tối cao Singapore năm 2017 gọi đó là mất "mối quan hệ di truyền". Phán quyết cuối cùng, cặp đôi mua tinh trùng được bồi thường 30% chi phí nuôi con, khoảng 233.000 USD.

Thiết bị lấy tinh trùng ngày càng phổ biến ở các bệnh viện Trung Quốc Thiết bị lấy tinh trùng được bán từ 2005, nhưng gần đây nhu cầu sử dụng loại máy này ở các bệnh viện tại Trung Quốc tăng cao với mục đích y học nghiêm túc.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-nga-ngua-voi-thi-truong-tinh-trung-post953409.html