Mỹ nghiến răng cấp tiền giúp...Nga phát triển công nghệ quân sự

Washington buộc phải mua động cơ tên lửa RD-181/RD-180 của Nga, tiếp tục cấp nhiều tỷ dollars để Moscow phát triển Hàng không-Vũ trụ và công nghệ quân sự.

Hàng không vũ trụ Mỹ chi nhiều tỷ dollars cho Nga

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không-Vũ trụ Energormash của Nga có kế hoạch bàn giao cho các công ty Hàng không-Vũ trụ Mỹ thêm 9 động cơ RD-181, lắp đặt trên tên lửa đẩy Antares trong giai đoạn từ 2019-2020, tài liệu được đăng trên trang web mua sắm công cho biết.

Thông báo cho biết, việc cung cấp các động cơ RD-181 sẽ được thực hiện bằng đường hàng không thành ba đợt: Vào tháng 2 năm nay, Nga sẽ chuyển giao 1 động cơ, vào tháng 12 thêm 1 chiếc nữa và tới tháng 12 năm 2020 bàn giao một loạt lớn gồm 4 chiếc nữa.

Trước đó, NPG Energomash cho biết kể từ tháng 6 năm 2015, công ty đã cung cấp 17 động cơ RD-181 cho Hoa Kỳ, 8 chiếc trong số đó đã được sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của tên lửa Antares trong bốn lần phóng.

Hôm 12/12/2018, Nga cũng mới bàn giao thêm 3 động cơ RD-181 cho Mỹ, nâng tổng số động cơ tên lửa đẩy loại này mà Mỹ phải nhập từ Nga trong năm 2018 lên con số 11 chiếc.

Đây là lô hàng thứ 3 của động cơ được giao cho công ty Mỹ trong năm 2018. Hai lần bàn giao trước đó diễn ra vào tháng 4 và tháng 10 /2018 với mỗi lần 4 động cơ RD-181.

Được biết, hồi đầu năm 2015, Tập đoàn tên lửa-vũ trụ NPG Energomash đã ký kết với Tập đoàn Mỹ Orbital Sciences Corporation hợp đồng cung cấp 60 động cơ RD-181, trị giá 1 tỷ USD. Số lượng động cơ chuyển giao hàng năm không cố định do nhu cầu sử dụng của phía Mỹ.

Ngoài động cơ RD-181 cho tên lửa đẩy Antares, Mỹ cũng đã phải mua hàng trăm động cơ RD-180 của Nga để sử dụng trong giai đoạn đầu tiên của tên lửa đẩy Atlas 5.

Mỹ vẫn tiếp tục phải nhập khẩu động cơ tên lửa và mua ghế ngồi trên tàu vũ trụ Nga

Mỹ vẫn tiếp tục phải nhập khẩu động cơ tên lửa và mua ghế ngồi trên tàu vũ trụ Nga

Năm 1997, Moscow và Washington đã ký một thỏa thuận trị giá gần một tỉ USD cho việc cung cấp 101 động cơ RD-180, tương đương giá bán sỉ mỗi chiếc gần 10 triệu USD. Loại động cơ này được sử dụng trong giai đoạn một của tên lửa đẩy Atlas 5 do Mỹ sản xuất.

Ngoài động cơ RD-180 và động cơ RD-181, Nga còn cung cấp dịch vụ vận chuyển các phi hành gia Mỹ lên vũ trụ với cái “giá cắt cổ”.

Tháng 8/2015, người đứng đầu NASA là ông Charles Bolden đã thể hiện sự “bất bình” với quốc hội Mỹ trong bài báo viết cho tạp chí Wired với tựa đề “Quốc hội, đừng bắt chúng tôi quá giang tàu Nga”, bởi các phi hành gia nước này tiếp tục phải bay tới Trạm không gian quốc tế ISS trên tàu vũ trụ Nga.

Trong bài viết, ông Bolden bày tỏ thái độ không hài lòng, sau khi NASA đã gia hạn hợp đồng với Roscosmos, vận chuyển 6 phi hành gia Mỹ lên trạm ISS với giá 490 triệu USD, một cái giá “cắt cổ” hơn 80 triệu USD cho mỗi chỗ ngồi trên tàu vũ trụ Nga.

Mỹ vùng vẫy thoát Nga bất thành

Trước thực trạng Mỹ phải chi nhiều tỷ dollars để mua động cơ tên lửa và dịch vụ bay lên trạm quỹ đạo; giới chính khách Mỹ đã không ngừng chỉ trích chính phủ và ngành Hàng không-Vũ trụ Mỹ “bất lực”, cung cấp hàng tỷ dollars cho địch thủ nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Ông Bolden nhấn mạnh rằng, tuy các chuyến bay vũ trụ là khó khăn phức tạp, nhưng Mỹ có 2 sự lựa chọn rất đơn giản: Một là đầu tư cho doanh nghiệp nước mình phát triển kỹ thuật, phục vụ tương lai lâu dài; hai là mang dollar của người nộp thuế Mỹ biếu cho Nga phát triển công nghệ quân sự.

Trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào các hợp đồng cung cấp tên lửa đẩy của Nga, tháng 3 năm 2015, Bộ quốc phòng Mỹ đã quyết định ký liền 2 hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa đẩy vũ trụ với các công ty chế tạo thiết bị hàng không Aerojet Rocketdyne và United Launch Services.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-nghien-rang-cap-tien-giupnga-phat-trien-cong-nghe-quan-su-3374564/