Mỹ nhắc Nga đừng tự mãn

Mỹ thể hiện rằng, khả năng đáp trả hạt nhân chiến thuật trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ cũng mạnh không kém Nga.

Mỹ lắp đầu đạn 5kt cho tên lửa Trident II D5

Theo báo cáo của các chuyên gia Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai các đầu đạn hạt nhân công suất thấp kiểu mới trên tên lửa đạn đạo liên lục địa dành cho tàu ngầm (SLBM) Trident II D5, trên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) của nước này.

Theo các nhà khoa học của FAS, tàu ngầm hạt nhân USS Tennessee (SSBN-734) lớp Ohio được trang bị những tên lửa như vậy, lần đầu tiên rời căn cứ hạm đội Mỹ ở Georgia hồi cuối năm 2019 để thực hiện chuyến hải hành tuần tra Đại Tây Dương.

Trước đó, vào hồi tháng 5/2019, Hoa Kỳ cũng đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo không tải Trident II (D5) từ tàu ngầm hạt nhân Rhode Island lớp Ohio, để kiểm tra tính năng của các tên lửa mang đầu đạn mới.

Vụ phóng diễn ra trong khuôn khổ các cuộc thử nghiệm vũ khí tên lửa nhằm mục đích “đánh giá và phô diễn sự sẵn sàng của hệ thống vũ khí chiến lược và thủy thủ đoàn tàu ngầm trước khi triển khai hoạt động”, sau khi nâng cấp, sửa chữa và tiếp nhiên liệu hạt nhân.

Theo con số thống kê của Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, vụ phóng thử thành công tháng 5/2019 đã là lần phóng thử nghiệm thành công thứ 172 của tên lửa Trident II, kể từ khi loại vũ khí chết người này được đưa vào danh mục vũ khí, trang bị hải quân Mỹ năm 1989.

Theo đánh giá của FAS, trong số 20 tên lửa Trident trên tàu ngầm Tennessee, có 1-2 tên lửa mang đầu đạn W76-2. Mỗi đầu đạn như vậy có sức chứa 5 kiloton, trên một tên lửa có thể bố trí một số đầu đạn phân hướng.

Các nhà khoa học đánh giá, các đầu đạn còn lại lắp trên các tên lửa Trident của tàu Tennessee thuộc loại tiêu chuẩn là 90 và 455 kiloton, một tên lửa lắp tới 8 đầu đạn như trên.

Theo nhận định của FAS, Quân đội Hoa Kỳ tuyên bố rằng, Nga được cho là đã áp dụng học thuyết "leo thang để xuống thang", khi vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng trong trường hợp thất bại trong cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.

Do đó, việc lắp các đầu đạn hạt nhân công suất thấp như W76-2 là cần thiết để đối phó với quan niệm sai lầm rằng “trong tiềm năng răn đe khu vực của Mỹ có lỗ hổng”, Nga không phải là kẻ duy nhất có ưu thế về tấn công hạt nhân chiến thuật - các quân nhân Mỹ khẳng định.

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Trident II từ tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Trident II từ tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ

Mỹ có khả năng tấn công hạt nhân chiến thuật không kém Nga?

Đồng thời, các chuyên gia FAS cho rằng, Lầu Năm Góc chưa chứng minh được giả thuyết mà họ đưa ra về việc Moscow có thể đưa ra quyết định về một cuộc tấn công hạt nhân.

Ngoài ra, họ nhắc nhở rằng, Hoa Kỳ mới chính là nước sở hữu số lượng lớn các vũ khí hạt nhân năng lượng thấp, con số này theo đánh giá của FAS, lên tới 1000 đầu đạn, bao gồm cả tên lửa hành trình cho máy bay ném bom B-52 và bom hạt nhân B-61.

Tuy nhiên, những người ủng hộ loại đạn như vậy trên các tàu ngầm cho rằng, máy bay không thể vượt qua hệ thống phòng không cải tiến của Nga trong những năm gần đây, nên chỉ có những quái vật dưới đáy biển mới có thể giáng đòn đáp trả vào Nga.

Theo đánh giá của FAS, tất cả những điều này gợi nhớ đến các phương pháp lỗi thời trong Chiến tranh Lạnh.

Trước đây, bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào cũng được chứng minh bằng những lập luận tương tự - rằng việc sử dụng hạt nhân năng lượng thấp và sử dụng tức thời là điều cần thiết để kiểm chế.

Hiện nay, đầu đạn W76-2 công suất thấp mới phát triển không hề có bất cứ điều gì mới ở đây, nó chỉ đơn thuần là mang lại cho Hoa Kỳ một loại vũ khí tốt hơn để sử dụng và hiệu quả hơn với tư cách là biện pháp ngăn chặn.

Các tác giả lưu ý rằng, việc phóng tên lửa Trident II D5 với đầu đạn hạt nhân công suất thấp khác với việc phóng tên lửa có đầu đạn chiến lược, bởi khả năng đáp trả của một tàu ngầm hạt nhân sẽ giảm mạnh. Trong trường hợp này, sử dụng đầu đạn công suất thấp chống Nga là điều không tưởng về mặt chiến lược.

Đồng thời, các tác giả cho rằng, mặc dù Mỹ lúc nào cũng chỉ đề cập đến Nga, nhưng trên thực tế, với phạm vi hoạt động “không hạn chế” của tàu ngầm và tầm phóng cực xa của tên lửa, đầu đạn công suất thấp có thể được sử dụng như một phương tiện chủ động tấn công hạt nhân chống lại Triều Tiên hoặc Iran.

Điều này hoàn toàn phù hợp với những quy định trong Chiến lược hạt nhân của Hoa Kỳ cho rằng, nước này dự định sẽ “mở rộng tiềm năng để đối phó với các cuộc tấn công chiến lược hạt nhân hoặc phi hạt nhân”, mở đường cho một cuộc tấn công hạt nhân chủ động.

Theo Toàn Thắng/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/my-nhac-nga-dung-tu-man/20200208105738991