Mỹ nhăm nhe 'đánh' quốc gia Đông Nam Á vì mua vũ khí của Nga

Một quốc gia ở Đông Nam Á đang có nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ vì mua những chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga.

Chiến đấu cơ Su-35

Tờ Kommersant cuối tuần vừa rồi đưa tin, khung thời gian mà Nga bàn giao những chiếc chiến đấu cơ đa năng Su-35 cho Indonesia theo hợp đồng song phương đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ sẵn sàng tung ra như một phần của gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Washington chưa đưa ra bất kỳ lời đảm bảo nào với Jakarta về việc nước này sẽ không phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Được Tổng thống Donald Trump ký thành luật vào tháng 8 năm ngoái, CAATSA áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt khác nhau nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Đạo luật này cho cho phép Mỹ trừng phạt các nước thứ ba có hợp tác với ngành tình báo và quốc phòng Nga. Tuy nhiên, một dự luật quốc phòng được đưa ra sau đó cho phép Tổng thống Trump có quyền miễn các biện pháp trừng phạt cho một nước nào đó vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Tờ Kommersant dẫn lời hai nguồn tin hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga và một nguồn tin thân cận với chính quyền Tổng thống Putin tiết lộ, Indonesia vẫn có khả năng bị Mỹ trừng phạt vì mua Su-35 của Nga. Hơn nữa, hai bên có kế hoạch sử dụng một khoản vay từ một ngân hàng thương mại của Nga để thanh toán hợp đồng, Tuy nhiên, không ngân hàng nào sẵn sàng tham gia vào hợp đồng giữa Nga và Indonesia bởi họ sợ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ, tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga – Rosoboronexport cho tờ Kommersant biết.

"Tình huống không dễ chịu nhưng cũng không nghiêm trọng. Chúng tôi vẫn tiếp xúc thường xuyên với các đối tác Indonesia và đang tìm cách để thoát ra khỏi tình huống này”, một trong những nguồn tin cho hay.

Tuy nhiên, hy vọng đã được nhen nhóm. Giới chức Mỹ được cho là đang hướng tới khả năng áp dụng luật miễn trừng phạt đối với một số nước nhất định có quan hệ quốc phòng với Nga, cụ thể ở đây là mua vũ khí của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng 8 từng đề nghị Quốc hội Mỹ cho phép áp dụng luật miễn trừng phạt đối với Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Hồi tháng 8, Đại sứ Indonesia tại Nga - ông Mohamad Wahid Supriyadi cho biết, Jakarta mong đợi sẽ nhận được những chiếc chiến đấu cơ Su-35 Flanker-E đầu tiên theo hợp đồng vào tháng Mười năm 2019.

Hồi tháng Sáu, Đại sứ Supriyadi cho hay, Indonesia đã ký hợp đồng mua 11 chiếc máy bay mới của Sukhoi, miêu tả đó là một hợp đồng “rất lớn." Theo Bộ Thương mại Indonesia, hợp đồng có trị giá 1,154 tỉ USD.

Su-35 là một phiên bản hiện đại hóa rất sâu của loại chiến đấu cơ Su-27M – máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Không quân Nga.

Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quan-su/201810/my-nham-nhe-danh-quoc-gia-dong-nam-a-vi-mua-vu-khi-cua-nga-616160/