Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman tái khẳng định sự hợp tác giữa ba nước trong nhiều vấn đề song vẫn còn 'một số khác biệt' giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang được giải quyết.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Choi Jong-kun tại cuộc gặp ở Seoul ngày 23/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Choi Jong-kun tại cuộc gặp ở Seoul ngày 23/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 17/11 cho biết đã có các cuộc hội đàm "mang tính xây dựng và thực chất" với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó các bên cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao trùm, tự do, hòa bình, ổn định và rộng mở.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman tái khẳng định sự hợp tác giữa ba nước trong nhiều vấn đề, trong đó có phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, bà lưu ý vẫn còn "một số khác biệt" giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang được giải quyết và một trong những khác biệt đó đã dẫn tới việc thay đổi hình thức của cuộc họp báo.

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong Kun và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori không tham gia cuộc họp báo đã lên kế hoạch sau cuộc hội đàm.

Bà Sherman nêu rõ khác biệt nói trên giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không liên quan đến cuộc hội đàm ba bên. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cuộc hội đàm mang tính xây dựng này cho thấy "tầm quan trọng và sức mạnh" của hội đàm ba bên.

Trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc họp, các quan chức ngoại giao ba nước đã tái khẳng định sự cần thiết của hợp tác ba bên trong việc giải quyết các thách thức cấp bách nhất trong khu vực và trên thế giới, đồng thời chia sẻ cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Liên quan vấn đề Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm tìm ra cách thức tốt nhất hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc đề xuất đưa ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên nhằm khôi phục đối thoại với Bình Nhưỡng.

Về hình thức, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh do Chiến tranh Triều Tiên (năm 1950-1953) kết thúc với một thỏa thuận đình chiến mà chưa có một hiệp định hòa bình./.

Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/my-nhan-manh-tam-quan-trong-cua-quan-he-voi-nhat-ban-han-quoc/754622.vnp