Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Philippines tập trận ở Biển Đông, thách thức TQ

Tàu khu trục của Mỹ tập trận với một tàu sân bay Nhật Bản, hai tàu hải quân Ấn Độ và một tàu tuần tra Philippines tại Biển Đông, trong nỗ lực biểu dương sức mạnh.

Dù đã diễn ra nhiều lần trong quá khứ, cuộc tập trận này là động thái thách thức mới nhất đối với Bắc Kinh, giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

“Giao lưu về chuyên môn với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực là cơ hội để tăng cường các mối quan hệ chặt chẽ sẵn có”, Trung tá Andrew J. Klug, hạm trưởng của tàu khu trục USS William P. Lawrence, nói trong một thông cáo.

Nhật Bản cử một trong hai tàu sân bay lớn của nước này, tàu Izumo, trong khi Ấn Độ điều tàu khu trục INS Kolkata và tàu chở dầu INS Shakti, theo hãng tin Reuters.

Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence, được dùng trong cuộc tập trận bốn nước tuần qua, huấn luyện trên biển Thái Bình Dương ngày 23/6/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Cuộc tập trận chung vừa kết thúc ngày 8/5 diễn ra sau khi hai tàu chiến Mỹ đi gần các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Biển Đông vào ngày 6/5.

Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối và nói hành động ngày 6/5 vi phạm chủ quyền nước này. Hải quân Mỹ nói họ thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế trên toàn thế giới, kể cả vùng biển của các đồng minh.

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9/5 về việc hai tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế".

Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã liên tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây đảo và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông - tuyến hàng hải quan trọng với khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa thông thương mỗi năm - chiếm 1/3 tổng thương mại toàn cầu.

Trước đó, vào tháng tư, trong một động thái khác nhằm thách thức Bắc Kinh, tàu khu trục USS William P. Lawrence và một tàu khu trục khác của Mỹ đã đi qua eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Trọng Thuấn
(theo Reuters)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-nhat-an-do-philippines-tap-tran-o-bien-dong-thach-thuc-tq-post944496.html