Mỹ nhiệt tình 'cứu Đức khỏi Nga', Berlin nói: Đừng, không cần!

Quốc hội Đức (Bundestag) tuyên bố rằng chính sách năng lượng của Đức không liên quan tới Mỹ, nên Washington không được phép can thiệp vào.

Mỹ muốn cứu Đức khỏi Nga

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) do Nga và Đức khởi xướng liên quan đến kế hoạch xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ bờ biển Nga qua đáy biển Baltic đến Tây âu, mà điểm đến đầu tiên là lãnh thổ nước Đức.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2019, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 9,6 tỷ euro. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Đến tháng 10 vừa qua, Đan Mạch là nước cuối cùng đã cấp phép cho dự án.

Mỹ đang tích cực chống phá dự án “Dòng chảy Bắc-2” vì lo ngại mất doanh thu từ việc bán khí đốt hóa lỏng (LNG) sang thị trường châu Âu, còn Ukraine cũng phản đối kịch liệt dự án này vì sợ mất hơn 2 tỷ USD phí trung chuyển khí đốt của Nga và ưu đãi giảm giá đốt mua của Nga.

Đứng ra chống lại dự án này còn là một số quốc gia châu Âu, bao gồm Ba Lan, Latvia và Litva, bởi lo ngại Nga sẽ làm “mất an ninh năng lượng châu Âu” và sử dụng khí đốt như một công cụ chính trị để tác động đến hoạch định chính sách của các nước EU.

Thậm chí, vào hồi tháng 6 vừa qua, Nhà Trắng đã đưa ra một nguyên nhân rất “dễ thương” để bao biện cho việc nước này kịch liệt chống Nord Stream 2; đó là vì "bảo vệ Berlin khỏi bàn tay Moscow”.

Vào thời điểm đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hoa Kỳ John Barrasso đã đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về các biện pháp trừng phạt chống lại dự án “Dòng chảy phương Bắc - 2” của Nga và đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận.

Ông Trump đã chỉ trích việc Đức mua khí đốt của Nga, khiến Moscow đã “nhận được hàng tỷ dollars từ Berlin” để vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo ông, Hoa Kỳ đang "bảo vệ Đức khỏi Nga”, bằng việc cố gắng ngăn chặn kế hoạch xây dựng “Dòng chảy phương Bắc - 2”.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã cho phép sử dụng các biện pháp hạn chế đối với các thành viên tham gia dự án năng lượng Nord Stream-2 của Nga nhưng ông không muốn điều này xảy ra và gợi ý rằng: Biện pháp giải quyết triệt để cho tình huống này có thể là việc “Đức nên mua LNG của Mỹ”, Mỹ có một khối lượng LNG dự trữ rất lớn đủ để cung cấp cho châu Âu.

Mỹ muốn ngăn chặn Nord Stream-2 để bán LNG cho châu Âu?

Đức cần khí đốt Nga và sẽ trả đũa LNG Mỹ

Ông Klaus Ernst, chủ tịch Ủy ban kinh tế và năng lượng của Quốc hội Đức (Bundestag) mới đây đã cho biết rằng, người Đức muốn mua khí đốt của Nga, muốn duy trì quan hệ với Nga và nhấn mạnh rằng, chính sách năng lượng của Đức không liên quan gì tới Hoa Kỳ.

"Đối với Đức, tiêu chí quan trọng nhất khi chọn mua loại khí đốt cho mình là giá cả. Một khi khí đốt của Nga vẫn còn rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn so với khí đốt của Mỹ được sản xuất bằng phương pháp fracking (thủy lực cắt phá, dầu đá phiến), thì Đức vẫn chọn mua hàng của Nga” – vị quan chức Quốc hội Đức nêu rõ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, hiện tại đang có sự đồng thuận rộng rãi trong nước, bao gồm cả Bundestag về việc muốn mua khí đốt của Nga và muốn duy trì quan hệ với Moscow.

Ông nói thêm rằng, chuyện Berlin định hình chính sách năng lượng của mình như thế nào hoàn toàn không liên quan tới Washington, Đức muốn mua của ai, quan hệ với ai, người Mỹ không được phép can thiệp.

Vị quan chức quốc hội Đức cũng phê phán quan điểm của Kiev về “Dòng chảy phương Bắc-2” và đặt ra câu hỏi về sự hỗ trợ từ phía Liên minh châu Âu, việc Ukraine ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ về đường ống khí đốt là không thể chấp nhận được.

Trước đó, Bộ ngoại giao Ukraine cho biết rằng, chính quyền Kiev định sử dụng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể được áp dụng chống lại dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” làm công cụ trong quá trình đàm phán với Nga về hợp đồng trung chuyển khí đốt mới.

“Việc một đất nước đã và đang nhận được sự hỗ trợ chính trị và tài chính to lớn từ EU, trong khi đó lại ủng hộ các biện pháp trừng phạt bên ngoài như của Hoa Kỳ, những biện pháp đang xung hại với chính sách năng lượng của chúng tôi, khiến phải đặt câu hỏi về sự hỗ trợ này” - ông Klaus Ernst nói.

Nhà chính khách Đức tuyên bố rằng, nước này cũng sẽ không ngồi yên để người khác gây thiệt hại cho mình, ông cũng không loại trừ khả năng chính quyền Berlin sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa trong trường hợp Washington áp đặt trừng phạt chống “Dòng chảy phương Bắc-2”. Theo ông, nước này có thể xem xét việc tăng thuế nhập khẩu khí hóa lỏng LNG của Mỹ.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-nhiet-tinh-cuu-duc-khoi-nga-berlin-noi-dung-khong-can-3392706/