Mỹ nỗ lực duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Tillerson vừa kết thúc chuyến thăm năm nước Trung Đông với trọng tâm của các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo khu vực bàn về hợp tác chống khủng bố cũng như thúc đẩy hòa giải. Trong bối cảnh những thay đổi địa - chính trị tại Trung Đông đang đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, Washington vẫn nỗ lực duy trì ảnh hưởng ở khu vực chiến lược này.

Với các điểm dừng chân là Ai Cập, Kuwait, Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Tillerson đã tập trung thảo luận với các nhà lãnh đạo khu vực về cuộc chiến chống khủng bố. Trong bối cảnh tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại ở Iraq và Syria, các phần tử IS đang tìm kiếm địa bàn khác thay thế, cuộc chiến chống khủng bố đứng trước nhiều thách thức mới. IS vẫn có khả năng tiến hành các vụ tiến công khủng bố nhằm vào Mỹ và các đồng minh phương Tây hoặc truyền cảm hứng cho những “sói đơn độc” thực hiện các vụ khủng bố đẫm máu. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đang phải vật lộn với những khó khăn nội tại như cuộc xung đột giữa chính quyền trung ương Iraq với lực lượng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải lo ngăn chặn tham vọng thành lập quốc gia riêng của người Kurd ở nước này. Bởi thế, một trong những trọng tâm chuyến thăm Trung Đông của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ là vấn đề tái thiết Iraq hay phối hợp với Ai Cập chống khủng bố. Tái thiết các khu vực đã bị phá hủy trong cuộc chiến chống IS ở Iraq vừa qua cũng nhằm ngăn chặn tổ chức khủng bố này tái trỗi dậy.

Một trong những mục tiêu khác trong chuyến thăm Trung Đông của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ là nhằm hàn gắn quan hệ Mỹ với các đồng minh A-rập và thúc đẩy kế hoạch hòa bình giải quyết xung đột Israel và Palestine sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trong chuyến thăm này, ông Tillerson đã phải tiếp tục giải thích về quyết định của Tổng thống Trăm liên quan Jerusalem. Trong các cuộc gặp tại Kuwait, ông Tillerson bày tỏ hy vọng Chính quyền Palestine sẽ nối lại liên hệ với Mỹ nhằm thúc đẩy một kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine. Mỹ không muốn bị mất vai trò tham gia giải quyết các vấn đề khu vực trong bối cảnh chính quyền Palestine gần đây tuyên bố không chấp nhận vai trò của Mỹ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào để giải quyết xung đột ở Trung Đông. Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng muốn xoa dịu những căng thẳng trong quan hệ với Ankara. Hai nước đồng minh đã trải qua thời gian “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” sau hàng loạt mâu thuẫn liên quan âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016, cũng như việc Mỹ hậu thuẫn Các lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) ở Syria, nhóm vũ trang bị Ankara coi là khủng bố. Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Ngoại giao Tillerson khẳng định, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ không hành động đơn phương mà sẽ hợp tác từ nay về sau”. Hai bên cũng đạt đồng thuận bước đầu về giải quyết căng thẳng giữa hai nước liên quan vấn đề người Kurd ở Syria, đồng thời cam kết thành lập các nhóm chuyên trách phối hợp giải quyết những khác biệt về chiến lược tại quốc gia Trung Đông này.

Mỹ một lần nữa khẳng định cam kết phối hợp các đồng minh ở khu vực Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời muốn hàn gắn những rạn nứt gần đây trong quan hệ của Washington với các nước trong khu vực.

BÍCH VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/35661702-my-no-luc-duy-tri-anh-huong-o-trung-dong.html