Mỹ nỗ lực giải quyết khủng hoảng thiếu sữa bột

Bên cạnh lạm phát hay giá nhiên liệu cao, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sữa bột cho trẻ em đang là khó khăn tiếp theo với người tiêu dùng Mỹ. Tình trạng đã kéo dài 3 tháng qua và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để giải quyết khủng hoảng này, Chính phủ Mỹ cùng với các doanh nghiệp đang nỗ lực tập trung đẩy nhanh hoạt động sản xuất sữa công thức.

Sản phẩm thiết yếu thiếu hụt nghiêm trọng

Sữa công thức là một sản phẩm thiết yếu quan trọng đối với nhiều hộ gia đình có con nhỏ ở Mỹ, cụ thể là những hộ gia đình thu nhập thấp, đặc biệt ở những người mẹ phải trở lại làm việc sau khi sinh con và không thể nuôi con bằng sữa mẹ. Sự khan hiếm sữa công thức tại Mỹ không phải mới xảy ra, mức độ khan hiếm này ngày càng nghiêm trọng từ năm ngoái đến tháng 5.2022. Theo một số dữ liệu do CNN cung cấp, tỷ lệ thiếu sữa bột dự trữ của Mỹ trong nửa đầu năm 2021 đã tăng từ mức 2 - 8% lên tới hơn 40%, tức gấp từ 5 - 20 lần.

Nguồn: Financial Times

Tình trạng thiếu sữa công thức xuất hiện ban đầu do ảnh hưởng của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu nhân công do đại dịch Covid-19, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi nhà sản xuất sữa hàng đầu Abbott tuyên bố tự nguyện thu hồi loại sữa công thức được sản xuất tại nhà máy ở Michigan và đóng cửa nhà máy này sau những lùm xùm liên quan đến sản phẩm của hãng. Tuy nhiên, một cuộc điều tra sau đó đã cho thấy sản phẩm của Abbott hoàn toàn vô hại. Mặc dù hãng Abbott cam kết không để sự cố trên tái diễn trong tương lai nhưng việc khôi phục nguồn cung về mức bình thường dự kiến sẽ phải mất vài tuần.

Theo tờ New York Times, ba nhà sản xuất sữa là Abbott, Gerber và Reckitt đứng đầu thị trường sữa công thức trẻ em trị giá 4 tỷ USD mỗi năm. Chỉ có khoảng 2% là lượng sữa nhập khẩu và chịu mức thuế cao, do đó chỉ cần một nhà sản xuất sữa bị ngưng trệ hoạt động, cả thị trường lập tức chịu tác động ngay. Bên cạnh đó, với nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng thổi giá đối với sữa bột công thức dành cho trẻ em, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng và người lao động New York đã đưa ra cảnh giác với người tiêu dùng trước những nhà cung cấp lợi dụng tình hình hiện nay để trục lợi. Cơ quan này nhấn mạnh, bất kỳ ai mua phải sữa công thức bị đội giá có thể gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng.

Chính phủ Mỹ nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Để thúc đẩy nguồn cung, Chính phủ Mỹ đã chính thức có động thái bằng việc kích hoạt "đạo luật thời chiến". Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức ký kết việc sử dụng lại Đạo luật Sản xuất Quốc phòng hướng tới lĩnh vực sản xuất sữa bột. Đạo luật này nhằm tập trung các hoạt động sản xuất của Mỹ ứng phó với các tình huống khẩn cấp như chiến tranh, dịch bệnh. Trong khi đó, mới đây, máy bay quân sự Mỹ chở chuyến hàng sữa công thức trẻ em nhập khẩu đầu tiên đã đáp xuống sân bay ở bang Indiana, miền Trung Tây nước Mỹ.

Cụ thể, khoảng 35 tấn sữa bột trẻ em từ châu Âu đã được vận chuyển thành công đến Mỹ, và lượng sữa bột này trước mắt sẽ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu trong nước. Lô hàng này là một nỗ lực mới nhất của giới chức Mỹ tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng thiếu sữa công thức, cũng như là một phần của chiến dịch "Không vận" sữa công thức, chương trình mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa công thức trẻ em đang xảy ra tại Mỹ.

Tổng thống Joe Biden cho biết thêm, quốc gia này đang chuẩn bị vận chuyển chuyến hàng thứ 2 từ châu Âu, gồm các lô sữa công thức cho trẻ sơ sinh của hãng Nestle đến bang Pennsylvania trong những ngày tới. Hàng triệu trẻ em ở Mỹ sử dụng sữa công thức như nguồn dinh dưỡng chính, đặc biệt là những trẻ không có điều kiện bú mẹ đầy đủ, và chi phí cho sữa bột nuôi trẻ nhỏ tại Mỹ là rất lớn. Còn loại sữa bột đặc biệt, chẳng hạn sữa dành cho trẻ bị dị ứng, được xem là mặt hàng xa xỉ, có khi lên tới vài trăm USD/hộp. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, dù có tiền, người dân cũng chưa chắc đã mua được sữa công thức. Do đó, nhiều gia đình và người tiêu dùng Mỹ rất hoan nghênh động thái này của Chính phủ.

Các chuyến bay chuyển hàng hiện nay tạm thời có thể tháo gỡ phần nào được khó khăn trong những ngày tới, song Chính phủ Mỹ cần tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho tình trạng khan hiếm sữa hiện nay. Mỹ cần có thêm nhiều nhà cung cấp sữa công thức để tránh tình trạng một công ty đơn lẻ kiểm soát quá nhiều chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu này. Để giải quyết sự độc quyền trong sản xuất sữa công thức trong ngắn hạn, các nghị sĩ đã đệ trình một dự luật "Sửa đổi Quy định ảnh hưởng đến trẻ em Mỹ" cho phép nhập khẩu miễn thuế sữa công thức dành cho trẻ em từ các quốc gia đáng tin cậy để phần nào giảm sự thiếu hụt sữa mà quốc gia này đang gặp phải. Theo đó, sữa công thức từ một số quốc gia sẽ có thể vào Mỹ miễn thuế trong 180 ngày sau khi dự luật trở thành luật. Các nước dự kiến được miễn thuế gồm: Australia, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Thụy Sỹ, Nam Phi, Anh và các thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Cùng với nỗ lực của Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp cũng đang tập trung đẩy nhanh hoạt động sản xuất sữa công thức. Giám đốc điều hành Abbott Robert Ford cho biết, nhà máy sẽ mở cửa trở lại vào tuần đầu tiên của tháng 6 và sẽ mất từ 6 - 8 tuần để sản phẩm lên kệ tại các cửa hàng. Đồng thời, hãng này cũng cam kết vào cuối tháng 6 tới, Abbott sẽ cung cấp nhiều sữa công thức hơn cho người Mỹ so với tháng 1 và nhấn mạnh hãng đang đầu tư đáng kể để bảo đảm điều tương tự không bao giờ xảy ra nữa.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/my-no-luc-giai-quyet-khung-hoang-thieu-sua-bot-i291156/