Mỹ nỗ lực ngăn bạo lực súng đạn

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) vừa yêu cầu Quốc hội Mỹ phân bổ thêm 5 tỷ USD cho các chiến dịch ngăn chặn tội phạm bạo lực và tăng tài trợ cho Cơ quan Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF). Nhà trắng nỗ lực trấn áp bạo lực đang tăng cao, mà nguyên nhân chính được cho là từ tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 và tình trạng phân biệt đối xử.

Mỹ chi thêm hàng tỷ USD nhằm ngăn chặn bạo lực súng đạn. (Ảnh GETTY IMAGES)

Theo trang mạng Gun Violence Archive chuyên thống kê các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ, tính từ năm 2013, gần như tất cả các chỉ số về bạo lực súng đạn trong năm 2021 tại Mỹ đều lập kỷ lục. Số vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ tăng lên mức cao mới, với 691 vụ trong năm 2021. Hơn hai phần ba thành phố đông dân nhất tại Mỹ chứng kiến nhiều vụ giết người hơn trong năm 2021. Thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania ghi nhận số vụ giết người cao nhất kể từ năm 1960; thành phố Chicago, bang Illinois chứng kiến năm bạo lực nhất trong vòng một phần tư thế kỷ; thành phố Los Angeles, bang California cũng rơi vào tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua.

Cảnh sát New York công bố số liệu cho thấy, số vụ tấn công nhằm vào người gốc Á tăng mạnh, từ 30 vụ trong năm 2020 lên 133 vụ trong năm 2021. Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực nhằm vào người gốc Á gia tăng kể từ khi đại dịch bùng phát do một bộ phận người Mỹ có tâm lý đổ lỗi cho người gốc Á là nguồn gây dịch bệnh. Bên cạnh đó, đại dịch khiến nhiều người mất việc làm và chỗ ở, rơi vào khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng song không nhận được hỗ trợ kịp thời từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần bởi chính những nơi này đã phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh.

Tổng thống Biden cho rằng, Quốc hội Mỹ phải nỗ lực nhiều hơn để chống lại làn sóng tội phạm bạo lực trong nước, trong đó cần tăng cường kiểm tra lý lịch về việc mua bán súng, cấm vũ khí tấn công và loại bỏ quyền miễn trừ pháp lý đối với các nhà sản xuất súng. Lãnh đạo Nhà trắng đồng thời đề xuất kế hoạch giảm tội phạm bằng cách ngăn chặn các giao dịch “súng ma”, loại vũ khí không có nguồn gốc, do tư nhân sản xuất và ngày càng xuất hiện nhiều tại các hiện trường vụ việc.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã báo cáo số lượng 1.750 “súng ma” vào năm 2016 và con số này tăng lên hơn 8.700 đơn vị trong năm 2020. Do đó, loại bỏ “súng ma” là một trong những ưu tiên của DOJ và các nhà lập pháp. DOJ đã khởi động Sáng kiến quốc gia về ngăn chặn “súng ma”, mở đường cho các cáo buộc liên bang đối với những cá nhân sử dụng loại vũ khí này, đồng thời lên kế hoạch đào tạo các công tố viên chuyên về các vấn đề cụ thể liên quan “súng ma” nhằm thực thi tốt hơn quy định luật pháp.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đẩy mạnh hỗ trợ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2021, Bộ Lao động Mỹ triển khai kế hoạch trị giá hơn 85 triệu USD hỗ trợ người mãn hạn tù có được việc làm chất lượng hơn. Tổng thống Biden kêu gọi tăng khoản trợ cấp trên thành 150 triệu USD trong năm tài chính 2022 để tái đầu tư vào các cơ hội việc làm. Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn cũng sẽ chi 1,5 tỷ USD cho chương trình hỗ trợ người mãn hạn tù có được công việc tốt và tái hòa nhập thành công với cộng đồng, trong khi Luật Cơ sở hạ tầng cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm với mức lương cao mà những người hoàn thành án tù sẽ có thể tiếp cận.

New York công bố các kế hoạch triển khai thêm lực lượng cảnh sát nhằm tăng cường an ninh cho người dân, nhất là cộng đồng người gốc Á ở các khu vực dễ xảy ra các vụ tấn công như bến xe, bến tàu điện ngầm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề bạo lực không thể giải quyết nhanh chóng, mà chỉ khi đời sống của các cộng đồng dân cư được cải thiện về mọi mặt, những vụ bạo lực và tình trạng phân biệt đối xử mới có thể giảm bớt.

TRƯƠNG XUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/my-no-luc-ngan-bao-luc-sung-dan-685972/