Mỹ nới trừng phạt, Trung Quốc sắp mất những thùng dầu giá rẻ từ Venezuela?

Các chuyên gia cho biết, việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Venezuela mà Mỹ đưa ra sẽ không dẫn đến sự gia tăng sản lượng dầu thô lớn ở quốc gia OPEC này, thay vào đó sẽ lấy đi nguồn cung cho điểm đến chính hiện tại là Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Ảnh minh họa

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters hôm thứ Tư (18/10) rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có kế hoạch nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu khí của Venezuela gần như ngay lập tức. Động thái này nhằm hưởng ứng thỏa thuận về bảo đảm cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đạt được giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập.

Thỏa thuận được ký ở Barbados hôm thứ Ba (17/10) đưa ra một số điều khoản cho cuộc bầu cử, nhưng không bao gồm việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với các nhân vật đối lập chủ chốt hoặc trả tự do cho những người bị giam giữ chính trị.

Cùng ngày, Trinidad và Tobago thông báo rằng Mỹ cho phép sửa đổi giấy phép, dọn đường cho một dự án khí đốt chung với Venezuela.

Venezuela đã khai thác trung bình 780.000 thùng dầu thô/ngày trong năm nay, cao hơn mức 716.000 thùng/ngày của năm 2022, nhưng vẫn còn xa mục tiêu chính thức là 1,7 triệu thùng/ngày cho năm 2024.

Chính quyền Biden đang tìm cách thúc đẩy dòng chảy dầu toàn cầu nhằm giảm bớt đà tăng giá do các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc cắt giảm sản lượng của OPEC+. Các chuyên gia cho biết xuất khẩu của Venezuela khó có thể bù đắp cho những cắt giảm đó nếu không có sự gia tăng lớn về đầu tư.

Hai thập kỷ quản lý yếu kém và đầu tư không đủ, cùng với các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ kể từ năm 2019, dự kiến sẽ cản trở khả năng của tập đoàn quốc doanh PDVSA trong việc nhanh chóng quay trở lại thị trường và cung cấp dầu thô ở mức giá hợp lý.

Giấy phép khai thác dầu quan trọng nhất cho đến nay được Washington cấp như một phần trong chiến lược nới lỏng trừng phạt là cho Chevron Corp vào tháng 11. Công ty đã tăng gần gấp đôi sản lượng chung với PDVSA và tiếp tục xuất khẩu sang thị trường chính trước đây của Venezuela là Mỹ.

Tuy nhiên, với khoảng 20% tổng sản lượng cả nước, các liên doanh của Chevron đã không thể xoay chuyển ngành công nghiệp này. PDVSA tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động vốn, nhập khẩu giàn khoan, sửa chữa nhà máy lọc dầu, thúc đẩy các dự án và đảm bảo các mối quan hệ đối tác.

Theo dữ liệu của Baker Hughes, sản lượng dầu thô của Venezuela vẫn ở mức thấp so với mức trung bình 2,4 triệu thùng/ngày trước khi các lệnh trừng phạt tài chính và dầu mỏ của Mỹ bắt đầu được áp dụng vào năm 2017. Chỉ có một giàn khoan đang hoạt động tại nước này so với hơn 80 giàn trong năm 2014.

Thiếu đầu tư

Theo các nhà phân tích, Venezuela cần một danh sách dài các mặt hàng để một lần nữa trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn, bao gồm: hàng chục giàn khoan, hàng tỷ USD thay thế cơ sở hạ tầng cho các nhà máy lọc dầu, trạm dòng chảy và cơ sở nâng cấp dầu thô cũng như nguồn cung cấp điện đáng tin cậy.

Các đồng minh của OPEC đã loại Venezuela khỏi danh sách chịu hạn ngạch và cho phép nước này bơm thêm dầu. Nhưng các chuyên gia dự đoán con đường phục hồi sẽ chậm chạp khi các đối tác liên doanh chỉ được Washington ủy quyền lần lượt để mở rộng hoạt động và xuất khẩu.

Sản lượng dầu của Venezuela dự kiến sẽ tăng từ 170.000 - 200.000 thùng/ngày trong 2 năm tới nếu Chevron, Eni và Repsol tuân thủ các kế hoạch mở rộng đã được Mỹ phê duyệt kể từ năm ngoái và nếu Maurel & Prom có được giấy phép tương tự để được trả nợ bằng cách xuất khẩu dầu thô của Venezuela, ông Francisco Monaldi từ Viện Baker của Đại học Rice cho biết.

Venezuela cũng có thể bắt đầu xuất khẩu khí đốt nếu các cuộc đàm phán do Mỹ ủy quyền với Trinidad về các dự án chung ngoài khơi có tiến triển.

Trung Quốc

Các nhà phân tích cho biết, sự cho phép của Mỹ có khả năng mở đường cho Venezuela xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ, châu Âu và Caribe, quốc gia này dự kiến sẽ giảm một phần lớn lượng dầu hiện đang chảy qua Trung Quốc.

Theo dữ liệu giám sát tàu, xuất khẩu của Venezuela sang Trung Quốc cả trực tiếp và thông qua các trung tâm trung chuyển đã giảm xuống 437.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay, từ mức 477.000 thùng/ngày vào năm 2022.

Ông Monaldi dự đoán rằng nếu Venezuela và Trung Quốc đạt được hiệp ước tiếp tục thanh toán nợ và mở rộng các dự án liên kết trong đầu tư dầu mỏ, nó có thể bổ sung thêm vào sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày trong giai đoạn 2 năm và có khả năng mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc một lần nữa.

Nhưng với phạm vi hạn chế trong nới lỏng trừng phạt và không được phép đầu tư mới trong thời gian này, rất khó để tổng sản lượng có thể đạt hơn 1,1 triệu thùng/ngày trong những năm tới, ông nói.

Đỗ Khánh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-noi-trung-phat-trung-quoc-sap-mat-nhung-thung-dau-gia-re-tu-venezuela-696963.html