Mỹ - Pháp phóng vệ tinh SWOT để vẽ bản đồ nước trên bề mặt Trái đất

Vệ tinh SWOT được đánh giá cần thiết hơn bao giờ hết do sự biến đổi khí hậu khiến nạn lụt, hạn hán, xói mòn bờ biển ngày càng trầm trọng.

Vệ tinh SWOT - Ảnh: Spaceflight.com

Vệ tinh SWOT - viết tắt của Surface Water and Ocean Topography (phép đo vẽ nước bề mặt và đại dương) - được tên lửa SpaceX phóng vào quỹ đạo từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở bang California lúc rạng sáng 16.12.

Vệ tinh này sẽ chụp ảnh gần như toàn bộ đại dương, sông hồ của Trái đất và “chúng ta sẽ được xem nước của địa cầu theo một cách chưa bao giờ được xem”, theo nhà khoa học Nadya Vinogradova-Shiffer của NASA, nơi cùng Cơ quan Không gian Pháp (CNES) thực hiện dự án SWOT.

SWOT trị giá 1,2 tỉ USD, có kích cỡ một xe SUV, mang theo các thiết bị có thể đo đạc độ cao của mặt nước trên hơn 90% bề mặt Trái đất với độ chính xác tới từng cm. Vệ tinh cho phép các nhà khoa học theo dõi dòng chảy, tính toán chính xác những chuyển động của dòng nước và xác định các vùng tiềm năng nguy cơ cao. Vệ tinh này cũng sẽ khảo sát khoảng 6 triệu hồ và khoảng 2,1 triệu km sông.

Vệ tinh SWOT sẽ bắn các xung radar về Trái đất, với các tín hiệu dội ngược trở lại để được nhận bởi các thiết bị mang ăng ten ghi lại loạt sóng phát ra từ SWOT và dội lại khi va vào mặt nước. SWOT sẽ nhận được những dữ liệu liên quan các dòng chảy và xoáy nước có chiều ngang 21 km.

SWOT còn theo dõi được cả nước lũ đổ về hạ nguồn, giúp các chuyên gia dựng những mô hình lũ lụt chính xác hơn, nhưng dữ liệu truyền về không đủ nhanh để hỗ trợ các cộng đồng dân cư sơ tán tránh lũ.

Vệ tinh này còn họa bức tranh toàn cảnh về các bờ biển, cụ thể là ảnh hưởng của nước biển dâng tới hiện tượng xâm thực. SWOT cũng chỉ ra các xoáy nước nhỏ với đường kính chỉ 7 km có khả năng làm ấm một vùng biển rộng lớn.

Quan trọng nhất, SWOT sẽ tiết lộ vị trí và tốc độ của mực nước biển dâng cao và sự thay đổi của đường bờ biển, chìa khóa để cứu mạng sống người dân và tài sản. Vệ tinh sẽ bao phủ toàn cầu giữa Bắc Cực và Nam Cực, quan sát nước trên bề mặt Trái đất với chu kỳ 21 ngày/lần, vì nó có quỹ đạo cao hơn 890 km.

Chương trình SWOT dự kiến sẽ kéo dài ba năm. Laurie Leshin, giám đốc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, lưu ý rằng NASA rất quan tâm Trái đất và đã lên kế hoạch thực hiện nhiều nhiệm vụ khảo sát toàn cầu hơn nữa trong vài năm tới.

Bảo Vĩnh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/my-phap-phong-ve-tinh-swot-de-ve-ban-do-nuoc-tren-be-mat-trai-dat-191006.html