Mỹ phát triển trí tuệ nhân tạo 'săn tên lửa hạt nhân' toàn cầu

Mỹ đang phát triển trí tuệ nhân tạo truy vết và phát hiện các bệ phóng, dự báo các vụ phóng tên lửa hạt nhân ở mọi nơi trên thế giới.

Các chương trình nghiên cứu được tiến hành trong bí mật. Phần lớn các nghiên cứu này chưa bao giờ được công bố.

Những chi tiết công khai hiếm hoi được Lầu Năm Góc chôn vùi bằng vô số thuật ngữ phức tạp trong kế hoạch chi ngân sách quốc phòng. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng những hệ thống vận hành bởi trí tuệ nhân tạo (AI), bảo vệ nước Mỹ khỏi nguy cơ tấn công hạt nhân, nhiều quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters.

Siêu máy tính săn tên lửa

Một khi nghiên cứu thành công, quân đội Mỹ sẽ có những siêu máy tính có khả năng “tự suy nghĩ”.

Những hệ thống này có thể xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ và mức chính xác vượt xa khả năng con người, cho phép Lầu Năm Góc phát hiện những hoạt động chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa.

Được cảnh báo từ sớm, chính phủ Mỹ có thể lựa chọn giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Trong trường hợp nguy cơ bị tấn công đang cận kề, quân đội Mỹ sẽ có thêm thời gian để phủ đầu phá hủy tên lửa đối phương, hoặc lên kế hoạch đánh chặn tối ưu.

Hệ thống tên lửa phòng không cơ động tại thao trường Ashuluk, ngoại ô Astrkhan, Nga. Ảnh: Reuters.

Hệ thống tên lửa phòng không cơ động tại thao trường Ashuluk, ngoại ô Astrkhan, Nga. Ảnh: Reuters.

Cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ Bob Work, “bậc thầy” về công nghệ AI, nhận định: “Với AI và công nghệ máy tự học (machine learing), chúng ta có thể tìm ra cây kim trong đáy bể”.

Mặc dù nỗ lực nghiên cứu các hệ thống chống tên lửa nói trên chưa từng được xác nhận, chính phủ Mỹ thời gian qua đã công khai thể hiện mong muốn ứng dụng AI vào quân sự.

Lầu Năm Góc năm 2017 khởi động “Dự án Nhà thông thái”, ứng dụng AI vào chương trình máy bay không người lái. Công nghệ cho phép phân tích hình ảnh và nhận diện mọi vật thể được ghi hình. Dù vậy, nhiều quan chức Mỹ cho rằng mức độ đầu tư cho nghiên cứu AI trong quân đội vẫn còn quá thấp.

Một trong các chương trình nghiên cứu AI đã được chính phủ Tổng thống Donald Trump đề xuất tăng gấp 3 lần đầu tư ngân sách, lên đến 83 triệu USD. Con số này vẫn khá khiêm tốn so với tổng chi ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc, theo Reuters.

Tuy nhiên, nó thể hiện vị trí ngày một quan trọng của những hệ thống chống tên lửa vận hành bằng AI trong chiến lược quốc phòng Mỹ, đặc biệt khi các đối thủ như Nga hay Triều Tiên không ngừng nâng cao năng lực.

Thử nghiệm với Triều Tiên?

Một nguồn thạo tin tiết lộ trong các dự án nghiên cứu AI của Lầu Năm Góc, một chương trình tiên phong đang tập trung vào Triều Tiên.

Giới lãnh đạo tại Washington rất lo lắng khi Bình Nhưỡng phát triển bệ phóng tên lửa cơ động. Công nghệ này cho phép Triều Tiên giấu tên lửa trong những cánh rừng, hang động và đường hầm.

Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm trung Pukguksong-2. Ảnh: KCNA.

Theo Reuters, quân đội Mỹ đang cho thử nghiệm phiên bản đầu tiên của hệ thống truy vết bệ phóng tên lửa cơ động. Dự án được phát triển bởi nhiều nhà nghiên cứu quân đội lẫn tư nhân tại Washington D.C, được quỹ đầu tư In-Q-Tel của cộng đồng tình báo Mỹ chống lưng.

Dự án này tận dụng kho dữ liệu đám mây của các cơ quan tình báo, rà soát khối lượng thông tin khổng lồ mà những vệ tinh tối tân thu thập được nhằm phát hiện các điểm bất thường và quy tắc hoạt động của đối phương.

Các văn bản kế hoạch ngân sách quốc phòng cho thấy quân đội Mỹ muốn dự án nhắm đến các mục tiêu còn lại trong “nhóm rắc rối 4+1” - biệt danh mà Lầu Năm Góc sử dụng cho các thách thức an ninh Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và khủng bố.

Nguy cơ chạy đua vũ trang mới

Mỹ, Nga và Trung Quốc đang chạy đua đưa công nghệ AI vào guồng máy chiến tranh, chế tạo những hệ thống tự hành tinh vi đủ khả năng tự học và tự thực hiện nhiệm vụ. Sử dụng AI để nhận diện nguy cơ tấn công tên lửa và truy vết các bên phóng tên lửa mới là phần mở đầu của tham vọng trên.

Tuy nhiên, công nghệ này cũng mang theo nhiều rủi ro lớn. Nó đây nhanh tốc độ ra quyết định trong trường hợp khủng hoảng hạt nhân, nhưng đồng thời tăng rủi ro máy tính phạm sai lầm. Nhiều chuyên gia lo ngại các dự án của Mỹ sẽ khiêu khích một cuộc chạy đua vũ trang với Nga và Trung Quốc, làm xáo trộn cân bằng hạt nhân toàn cầu.

Tướng Không quân John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), nói một khi các hệ thống AI đi vào hoạt động hoàn chỉnh, Lầu Năm Góc cần đưa ra các biện pháp đảm bảo con người không bị máy tính thay thế trong việc kiểm soát tốc độ ra quyết định chiến thuật hạt nhân. “AI có thể đẩy chúng ta vào tình thế leo thang hạt nhân nếu không có các biện pháp phòng ngừa”, ông cho biết.

Tầm bắn một số tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Đồ họa: Economist.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia công nghệ quốc phòng cho rằng Trung Quốc và Nga có thể tìm ra cách đánh lừa những hệ thống “săn tên lửa”, ngăn khả năng nhận diện hình ảnh của máy tính. "Trung Quốc và Nga chắc chắn cũng đang theo đuổi những công nghệ này, thậm chí với mức độ đầu tư còn lớn hơn chúng ta", ông Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết.

Theo Steven Walker, giám đốc Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Quốc phòng Cấp cao (DARPA), một nhà tiên phong về công nghệ AI, Lầu năm Góc vẫn cần đội ngũ phân tích lại những kết luận được AI xử lý. “Mọi hệ thống đều có thể bị đánh lừa”, ông nhận định.

DARPA đang nghiên cứu cách thức giúp những hệ thống vận hành bởi AI giải thích kết quả phân tích hiệu quả hơn cho con người thẩm định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những chương trình an ninh quốc gia có tính rủi ro cao, vốn không thể chấp nhận sai lầm.

Tàu ngầm hạt nhân Nga lần đầu phóng loạt tên lửa Bulava Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga phóng loạt 4 tên lửa đạn đạo Bulava chỉ trong 15 giây, đánh trúng mục tiêu giả định ở bán đảo Kamchatka, Viễn Đông, hôm 22/5.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-phat-trien-tri-tue-nhan-tao-san-ten-lua-hat-nhan-toan-cau-post848884.html