Mỹ, Philippines gồng mình đối phó siêu bão

Chỉ càn quét qua hai bang North và South Carolina của Mỹ vài giờ, song cơn bão mang tên FLORENCE đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 người và dự báo gây ngập lụt nặng nề do mưa lớn kéo dài. Trong khi đó, siêu bão MANGKHUT đổ bộ vào đảo Luzon của Philippines cũng khiến nhiều người thương vong...

Trước khi đổ bộ vào nước Mỹ, FLORENCE được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Mỹ với sức gió vùng gần tâm bão lên tới 220km/giờ. Để giảm nguy cơ thiệt hại về người và tài sản, chính quyền 5 bang duyên hải nước Mỹ gồm North Carolina, South Carolina, Georgia, Maryland và Virginia cùng khu vực thủ đô Washington đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với cơn bão này, đồng thời tiến hành các biện pháp phòng hộ nhằm bảo đảm tính mạng cho người dân. Khoảng 1,7 triệu người ở các bang đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo bão quốc gia (NHC), vào 17 giờ ngày 14-9, giờ địa phương (tức rạng sáng 15-9, giờ Hà Nội), bão FLORENCE đã giảm cấp thành cơn bão nhiệt đới, với sức gió 110km/giờ. Dù giảm cấp, nhưng hoàn lưu bão gây mưa lớn, gió mạnh, làm cây gãy đổ khiến một phụ nữ cùng con thiệt mạng trong ngôi nhà tại hạt New Hanover thuộc bang North Carolina. Nạn nhân tử vong thứ 3 là một phụ nữ ở thị trấn Hampstead. Hai trường hợp còn lại đều là nam giới ở hạt Lenoir và Pender. Ngoài ra, bão cũng làm nhiều người bị thương. Tại khu vực New Bern, North Carolina, mưa lớn đã làm ngập thị trấn có khoảng 30.000 người sinh sống. Theo báo cáo mới nhất của giới chức bang North Carolina, mất điện đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu người dân bang này.

Binh lính ở North Carolina đưa trẻ em đi trú bão FLORENCE. Ảnh: AP.

Các nhà dự báo thời tiết nhận định, mưa lớn sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới và có nguy cơ khiến mực nước trên các sông dâng cao, gây lũ lụt trên diện rộng. Hiện nhà chức trách địa phương đã ban bố lệnh giới nghiêm tại nhiều khu vực, trong đó có hạt New Bern. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp với các thành viên nội các để bàn cách đối phó với hậu quả sau bão. Dự kiến, Tổng thống Donald Trump sẽ đi thị sát các khu vực chịu ảnh hưởng của bão FLORENCE trong tuần tới.

Trong khi đó, lúc 1 giờ 40 phút ngày 15-9, theo giờ Manila, cơn bão có tên quốc tế MANGKHUT đã đổ bộ vào tỉnh Cagayan trên đảo Luzon, miền Bắc Philippines với sức gió trên 200km/giờ cùng mưa lớn, gây ra mất điện tại một số khu vực. Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có ít nhất 8 người thiệt mạng do siêu bão này gây ra. Gió mạnh, mưa lớn đã phá vỡ các cửa sổ, làm bật gốc nhiều cây cối.

Trước khi bão đổ bộ, chính quyền Philippines đã tiến hành sơ tán hàng chục nghìn người khỏi các khu vực ven biển, đóng cửa các trường học, cơ quan, yêu cầu người dân, chủ các cơ sở kinh doanh gia cố nhà cửa... Trong khi đó, quân đội được đặt trong tình trạng sẵn sàng làm nhiệm vụ, tuần tra thường xuyên trên các khu phố.

Siêu bão MANGKHUT với gió giật lên tới 330km/giờ có đường kính 900km, di chuyển với tốc độ 35km/giờ. Cơ quan Khí tượng Philippines ngày 14-9 đã nâng cấp cảnh báo bão lên mức 4, mức cao thứ hai trong thang cảnh báo đối với các tỉnh Cagayan và Isabela ở miền Bắc nước này. Đây cũng là mức cảnh báo từng được đưa ra đối với siêu bão HAYAN gây thương vong lớn nhất từ trước đến nay tại Philippines. Cơ quan này đồng thời cảnh báo, những thiệt hại đối với người dân do ảnh hưởng của bão MANGKHUT có thể rất nghiêm trọng, gây gián đoạn hoạt động cung cấp điện và liên lạc.

Sau khi quét qua Philippines, bão MANGKHUT đã đi vào Biển Đông và thành cơn bão số 6 ở Việt Nam trong năm 2018. Ngoài siêu bão FLORENCE và MANGKHUT, còn có 3 siêu bão khác cũng đang hình thành ở biển Caribe, Ấn Độ Dương và vịnh Mexico.

Việc một loạt siêu bão bất ngờ xuất hiện trong cùng thời điểm là một điều bất thường. Theo nhà khí tượng Tim Heller, trong suốt sự nghiệp kéo dài 35 năm qua, ông chưa từng thấy hoạt động của bão mạnh mẽ và cùng một lúc đến như vậy. Lý giải về hiện tượng bất thường này, các nhà khoa học cho rằng, sự gia tăng cường độ của các cơn bão có thể là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cụ thể là khi nước biển đang trở nên ấm hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho phép sản sinh và hình thành nên các cơn bão và siêu bão.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-philippines-gong-minh-doi-pho-sieu-bao-549640