Mỹ phóng tàu thăm dò Curiosity tới sao Hỏa

NDĐT - Hôm qua 26-11, một tên lửa đẩy Atlas 5 đã được phóng lên vũ trụ từ Mũi Canaveral (Florida, Mỹ), giúp đưa một con tàu tự hành sử dụng năng lượng hạt nhân trị giá 2,5 tỷ USD của NASA tới sao Hỏa để tìm kiếm dấu vết của sự sống trên hành tinh này.

Là trọng tâm trong Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa (MSL) của NASA, con tàu thăm dò này đã tách khỏi tên lửa đẩy Atlas 5 sau 45 phút đúng theo dự kiến và đã bắt đầu quãng hành trình dài 570 triệu km và kéo dài khoảng 8,5 tháng xuyên qua vũ trụ từ trái đất tới sao Hỏa. Ông Pete Theisinger, Giám đốc dự án MSL nói: “Con tàu đang ở chế độ du hành, hoạt động tốt và đang trên đường bay tới sao Hỏa”.

Tàu tự hành Curiosity, có trọng lượng một tấn và to như một chiếc xe ô-tô, là một phòng thí nghiệm di động, hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị tới 17 máy quay camera và 10 thiết bị khoa học, bao gồm cả một phòng thí nghiệm khoa học, sẽ lấy mẫu đất, đá trên sao Hỏa, sau đó sẽ phân tích chúng ngay tại chỗ.

Mục tiêu chính của dự án này là nhằm tìm hiểu xem liệu trên sao Hỏa có khả năng tồn tại cuộc sống của các loại vi sinh vật hay không, hoặc liệu đã từng có thời điểm nào đó có khả năng tồn tại sự sống hay không ? Trên con tàu này không có thiết bị dò tìm sự sống, thay vì thế nó được trang bị những thiết bị tìm kiếm các hợp chất hữu cơ.

Với mục tiêu là sẽ đưa các phi hành gia lên sao Hỏa trong tương lai, NASA cũng sẽ sử dụng tàu Curiosity để đo đạc mức độ bức xạ trên hành tinh đỏ. Con tàu tự hành này còn có các thiết bị khí tượng để đo đạc nhiệt độ, sức gió và độ ẩm của không khí.

Khi hạ cánh xuống sao Hỏa, tàu Curiosity sẽ thăm dò quanh khu vực miệng núi lửa Gale trong khoảng ít nhất là hai năm bởi khu vực này rất giàu các khoáng chất. Các nhà khoa học cho rằng nếu trên sao Hỏa có dấu vết của sự sống thì khu vực này là nơi có khả năng nhiều nhất.

Nhờ vào một động cơ sử dụng năng lượng hạt nhân, con tàu tự hành Curiosity sẽ có thể đi được xa hơn và hoạt động được lâu hơn so với các con tàu thăm dò sao Hỏa trước đó. Bộ máy phát điện hạt nhân này cũng được bọc trong vài lớp vỏ bọc chắc chắn để đề phòng các va chạm khi con tàu hạ cánh.

Cho tới nay, các nước trên thế giới đã thực hiện khoảng hơn ba mươi cuộc khám phá sao Hỏa, hành tinh có sự tương đồng với Trái đất nhiều nhất so với các hành tinh khác trong hệ mặt trời. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa trong số các sứ mệnh đó là thành công.

Hai tuần trước đây, cơ quan Vũ trụ Nga cũng đã phóng một con tàu thăm dò một mặt trăng của sao Hỏa. Tuy nhiên, con tàu này hiện đang bị mắc kẹt ở quỹ đạo quanh Trái đất mà không thực hiện được chuyến bay tới sao Hỏa.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/khoa-hoc/khoa-h-c/m-phong-tau-th-m-do-curiosity-t-i-sao-h-a-1.323000