Mỹ phóng tên lửa mạnh nhất sau tuyên bố của Nga

Ngày 4/8, Bộ Tư lệnh tấn công toàn cầu thuộc Không quân Mỹ đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III.

Theo Defence-blog, vụ phóng được thực hiện vào rạng sáng 4/8 (giờ địa phương) từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California nhằm vào một mục tiêu ở Thái Bình Dương trong một cuộc tấn công giả định.

Sau khi rời giếng phóng, Minuteman III bay quãng đường dài 6.437 km trước khi rơi xuống một bãi thử quân sự của Mỹ ở đảo san hô Kwajalein thuộc quần đảo Marshall.

Mỹ phóng tên lửa Minuteman III.

Mỹ phóng tên lửa Minuteman III.

"Vụ phóng đã được lên kế hoạch trước 3-5 năm. Vụ phóng lần này không liên quan tới bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trên thế giới hiện nay", thông báo của Không quân Mỹ cho biết.

Dù tuyên bố vụ phóng đã được lên kế hoạch từ trước nhưng nó được thực hiện gần như ngay sau Nga có thể khôi phục lại căn cứ thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở khu vực Novaya Zemlya trong một khoảng thời gian ngắn.

Chuyên gia đồng thời là cựu chỉ huy của Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, ông Vladimir Yevseyev cho rằng, quyết định của Nga là hành động đáp trả tuyên bố của Mỹ về việc tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân thời gian gần đây.

Nếu Mỹ bắt đầu các vụ thử hạt nhân ở Nevada hoặc kiểm nghiệm tính năng kỹ chiến thuật của đầu đạn hạt nhân mới ở khu vực này, Nga có thể ngay lập tức khôi phục địa điểm thử hạt nhân Novaya Zemlya trong thời gian ngắn và sẽ tiến hành các vụ thử hạt nhân tương tự.

Trước đó, Drew Walter, Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, nếu như Tổng thống ra lệnh, các cơ quan có liên quan của Washington sẽ có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân chỉ trong vòng vài tháng.

Tên lửa ICBM Minuteman III được trang bị cho Quân đội Mỹ từ năm 1970. Mặc dù chúng đã được nâng cấp vài lần nhưng đây là loại vũ khí của quá khứ, do đó Mỹ đã lên kế hoạch thay thế tên lửa này bằng loại ICBM thế hệ mới.

Trung tướng Richard Clark của Không quân Mỹ cho biết, các thành phần của Minuteman III như động cơ, hệ thống dẫn đường và loại nhiên liệu trong các tầng đẩy đã dần dần lỗi thời. Nếu các hệ thống này bị lỗi thời thì số phận tương tự đang chờ đợi tên lửa, bởi việc hiện đại hóa chúng đòi hỏi ngày càng nhiều tiền hơn.

Tất cả 450 tên lửa Minuteman hiện đang còn trong biên chế quân đội Mỹ đều được trang bị đầu đạn đơn khối với sức công phá 300 kiloton, có tầm bắn khoảng 13.000 km.

Kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, các hệ thống giúp tên lửa vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương đã không trải qua những thay đổi đáng kể và chỉ hạn chế bởi một bộ phản gây nhiễu lưỡng cực và một số mục tiêu giả.

Trong một thời gian dài, Lầu Năm Góc đã không chú ý đầy đủ đến vấn đề thay thế các tên lửa phóng từ các silo cố định bởi vì họ cho rằng, trong chiến tranh thế giới thứ ba giả định, Mỹ sẽ dựa vào các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và tên lửa hành trình của không quân chiến lược.

Do đó, các đầu đạn lắp đặt trên SLBM Trident II D5 - vũ khí được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio chiếm hơn một nửa toàn bộ kho vũ khí của lực lượng răn đe hạt nhân Mỹ.

Trong khi đó, Nga đã phát triển toàn diện các loại ICBM thế hệ mới với cả loại phóng từ silo RS-28 Sarmat, loại cơ động trên mặt đất Topol-M, RS-24 Yars và các SLBM Bulava.

Ngoài ra, Nga còn nhăm nhe khôi phục các ICBM trên các đoàn tàu hỏa (Barguzin), tạo nên lực lượng răn đe chiến lược hết sức mạnh mẽ.

Do đó, Mỹ buộc phải phát triển một loại ICBM mới phóng từ silo thay thế cho Minuteman III để tạo ra lực lượng cân bằng cần thiết đối với hạt nhân Nga.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-phong-ten-lua-manh-nhat-sau-tuyen-bo-cua-nga-3415760/