Mỹ quan ngại về kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga

Giới chức quốc phòng Mỹ đang tỏ ra quan ngại nhiều hơn về số lượng và chủng loại vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật của Nga nhiều hơn là các loại vũ khí chiến lược mới được Moscow giới thiệu gần đây.

“Hàng loạt loại vũ khí siêu vượt âm mới được Tổng thống Nga công bố hồi năm 2018 thực tế không mang lại nhiều lợi thế cho Nga so với những loại vũ khí chiến lược họ đã sở hữu. Điều chúng tôi thực sự quan tâm là kho vũ khí hạt nhân chiến thuật khổng lồ về cả số lượng và chủng loại mà Moscow đang sở hữu”, một quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố.

Trong khi Mỹ đang giảm ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân bằng thế hệ đầu đạn nguyên tử công suất thấp mới, Washington lại tỏ ý lo ngại về kho vũ khí hạt nhân chiến thuật đã tồn tại nhiều thập kỷ qua của Nga.

Theo đó, thiết bị lặn tự hành Poseidon Nga vừa giới thiệu có khả năng hủy diệt các cơ sở ven biển, nhưng khả năng này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các loại vũ khí hạt nhân chiến lược sẵn có như tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình tầm xa. Điều khiến Lầu Năm góc quan tâm là hơn 2.000 đơn vị vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật Nga đã sở hữu. Chúng có thể được trang bị trên các loại vũ khí thông thường và tạo ra sự phá hủy không thể dự đoán trước. Rất dễ hiểu nếu các đầu đạn hạt nhân chiến thuật được lắp đặt trên các loại vũ khí thông thường và không có cách nào để phân biệt.

Trước đây, năng lực này của Nga bị giới hạn bởi Hiệp ước về Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF). Tuy nhiên, hiện tại, Nga không còn bị giới hạn và tạo ra mối nguy cơ lớn đối với lực lượng quân sự Mỹ trên khắp thế giới.

Chỉ huy Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) Charles Richard đánh giá, Nga có thể thay máu đáng kể lực lượng hạt nhân trong vài năm tới. Hơn thế nữa, Mỹ không có khả năng theo dõi và hạn chế quá trình này do đã rút khỏi INF. Tính tới năm 2020, Nga đã thay máu lực lượng hạt nhân chiến lược với 76% là các loại vũ khí hiện đại, có độ tin cậy và khả năng tấn công chính xác cao. Nga và Mỹ đang sở hữu 95% tổng số lượng vũ khí hạt nhân của toàn thế giới.

Việc Mỹ rút khỏi INF đã khiến Nga buộc phải tái cơ cấu lại lực lượng hạt nhân và phương án sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Hiện tại, Nga và Mỹ đang bắt đầu những vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới. Tuy nhiên, triển vọng tương lai của START rất khó đoán khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn hiệp ước này cần có sự tham gia của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh luôn phản đối ý tưởng này.

TUẤN SƠN (theo TASS)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-quan-ngai-ve-kho-vu-khi-hat-nhan-chien-thuat-cua-nga-610627