Mỹ quyết đấu năng lượng Nga trong thế xung đột với EU

Trừng phạt Nord Stream 2 đã 'quá muộn' nhưng Mỹ sẽ cố gắng cản trở Nga thực hiện các dự án năng lượng khác.

Mỹ ra đòn muộn

Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2). Dự án trị giá gần 11 tỷ USD này dự kiến tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu mà không đi qua Ukraine.

Các lệnh trừng phạt này nằm trong một dự luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2020, được Tổng thống Trump ký tại căn cứ Andrews, một cơ sở không quân bên ngoài thủ đô Washington. Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 qua lòng biển Baltic.

Mỹ từng cảnh báo rằng việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang Tây Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu. Ngày 17/12 vừa qua, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đều đã bỏ phiếu thông qua việc cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt Nord Stream 2 ngay tại một căn cứ quân sự

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt Nord Stream 2 ngay tại một căn cứ quân sự

Dự luật trên yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 60 ngày phải thảo một báo cáo, trong đó nêu đầy đủ tên của các công ty và cá nhân liên quan đến dự án xây dựng đường ống Nord Stream 2 và TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) - một đường ống khác từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu.

Ngay lập tức, Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/12 đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Người phát ngôn của EU nhấn mạnh: "Về nguyên tắc, EU phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty EU tiến hành hoạt động kinh doanh hợp pháp".

Còn từ Berlin, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Vadim Prystaiko, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông không hy vọng Washington sẽ từ bỏ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào dự án trên. Ông Maas nhấn mạnh vấn đề quan tâm hiện nay của Đức là các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực thi như thế nào.

Châu Âu không muốn trải qua những mùa đông thiếu khí đốt

Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Prystaiko cũng phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Đức, song ông không đưa ra bất cứ bình luận nào về các biện pháp trừng phạt đối với các nhà thầu tư nhân có liên quan đến dự án "Dòng chảy phương Bắc 2".

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/12 đã tuyên bố phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" vì ảnh hưởng "quá xa" của chúng.

Ngay trước khi Tổng thống Mỹ ký phê chuẩn trừng phạt Nord Stream 2, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận trung chuyển khí đốt sau nhiều tháng đàm phán căn thẳng. Tại thủ đô Minsk của Belarus, Moscow và Kiev đã ký nghị định thư bổ sung thỏa thuận về tiếp tục vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine và điều chỉnh các yêu cầu chung.

Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố nêu rõ thỏa thuận vừa đạt được cho thấy Nga tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy trên thị trường châu Âu. Tuyên bố này có thể coi là một “cái tát” đối với đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Quan chức châu Âu, Nga và Ukraine (từ trái sang phải) trong một cuộc đàm phán trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sang Tây Âu

Hồi năm ngoái, tập đoàn Gazprom đã cung cấp cho châu Âu khoảng 200 tỷ m3 khí đốt, 40% trong số này đi qua Ukraine, giúp Kiev thu về 3 tỷ USD tiền phí vận chuyển mỗi năm. Tuy nhiên, đàm phán giữa hai bên về hợp đồng mới thời gian qua gặp nhiều trục trặc do căng thẳng chính trị giữa Moscow và Kiev, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tranh chấp pháp lý giữa nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga và công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine.

Trong buổi họp báo cuối năm ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga vẫn muốn tiếp tục vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống dẫn của Ukraine, bất chấp việc Moscow đã xây dựng các hệ thống đường ống dẫn khác, trong đó có Nord Stream 2.

Hợp đồng hiện tại giữa Nga và Ukraine sắp hết hạn vào ngày 31/12 tới. Trục trặc trong đàm phán gia hạn giữa hai nước đã làm dấy lên nguy cơ tái hiện cái gọi là cuộc "chiến khí đốt" như hồi năm 2009. Thời điểm đó, để trả đũa Công ty Gazprom của Nga nâng giá bán khí đốt, Ukraine đã từng chặn đường trung chuyển khí đốt Nga bán sang EU, làm cho 18 nước khách hàng Tây Âu của Nga lâm vào tình thế khó khăn đúng vào lúc cần khí đốt để sưởi vào mùa đông.

Nga chủ động “né” rắc rối

Nổi tiếng với những vựa dầu mỏ mênh mông và trữ lượng khí đốt dồi dào, Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng chủ chốt của thế giới. Nguồn thu từ xuất khẩu mặt hàng này chiếm khoảng 50% nguồn thu ngân sách Nga và 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của “Xứ sở Bạch dương”.

Trong khi đó, hàng chục quốc gia tại châu Âu, nơi có những thành phố tráng lệ, hiện đại, sầm uất, lại là nơi tiêu thụ nguồn năng lượng khổng lồ. Chính vì thế, từ giữa thập niên 70 của thế kỷ 20, Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy của châu Âu, với khoảng 25% tổng lượng khí xuất khẩu của Nga được chuyển tới thị trưởng này.

Trừng phạt các dự án dầu khí, Mỹ muốn đánh vào túi tiền Nga?

Tuy nhiên, kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, vấp phải khó khăn, đó là khí đốt xuất khẩu của Nga sang các thị trường châu Âu phải đi qua những nước trung chuyển thuộc Liên Xô cũ là Belarus và Ukraine. Trong lịch sử, hai quốc gia nghèo năng lượng này đã nhiều lần can thiệp vào việc xuất khẩu khí đốt của Nga, không ngần ngại khóa đường ống dẫn khí qua những nước này để gây sức ép mỗi khi có tranh chấp bùng lên với nước Nga láng giềng. Việc Ukraine “đóng van” hồi năm 2009 là một ví dụ điển hình.

Trong bối cảnh đó, xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không phải quá cảnh qua một nước nào luôn là mục tiêu lớn của Nga. Và giải pháp hiệu quả nhất mà Nga lựa chọn chính là Nord Stream.

Nord Stream (hay còn gọi là Nord Stream 1) được chính thức đưa vào vận hành vào ngày 8/11/2011 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2012. Dự án này ngay lập tức giúp Nga và các khách hàng Tây Âu của Nga tránh được tình trạng nguồn năng lượng này bị tắc nghẽn do những tranh chấp lặp đi lặp lại giữa Nga và Ukraine trước đó. Khi đi vào hoạt động, Nord Stream 1 cung cấp cho thị trường Tây Âu khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Sau đó, năm 2015, Nga, Đức và các đối tác châu Âu đã tiếp tục ký thỏa thuận bắt tay xây dựng tiếp dự án Nord Stream mở rộng, tức Nord Stream-2 nhằm xây dựng một nhánh đường ống dẫn khí đốt khác xuất phát từ vịnh Narva thuộc khu vực biên giới giữa Nga và Estonia tới Lubmin, miền Đông Bắc nước Đức và không phải chạy qua lãnh thổ Ukraine.

Thi công hạ đặt đường ống thuộc dự án Nord Stream 2 trên biển Baltic

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom của Nga với các công ty của châu Âu là Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức. Tuyến đường ống này có chiều dài 1.225 km, trong đó có 85 km đường ống chạy bên trong lãnh thổ Đức, với tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án là 9,5 tỷ euro (10,6 tỷ USD).

Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của Nord Stream 1 hiện tại trước khi rẽ nhánh. Khi rẽ nhánh, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua lãnh thổ của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Bất chấp sức ép của Mỹ, ngày 30/10/2019, Đan Mạch đã cấp phép cho dự án Nord Stream 2 vốn có một phần đường ống đi qua thềm lục địa của Đan Mạch thuộc Đông Nam đảo Bornholm trên Biển Baltic. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch khẳng định Đan Mạch có nghĩa vụ cho phép việc xây dựng đường ống trung chuyển theo Công ước của LHQ về Luật biển. Giấy phép của Đan Mạch đã gỡ bỏ rào cản cuối cùng trong tiến trình hoàn tất đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Tây Âu.

Dấu hiệu Mỹ quyết đấu Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cảnh báo rằng Đức "hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng của Nga". Ông cáo buộc người Đức đã trả hàng tỷ USD cho Nga để cung cấp khí đốt và sau đó được Mỹ bảo vệ trước Moscow. Theo giới phân tích, bên cạnh mối lo dự án có thể khiến châu Âu phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga, Mỹ đang nuôi tham vọng mở rộng thị trường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.

Về phần mình, Nga cho rằng sự phản đối của Mỹ và một số nước là “cạnh tranh không lành mạnh”. Nga đã nhiều lần kêu gọi các đối tác châu Âu không xem dự án này như một công cụ gây ảnh hưởng chính trị.

Không ngăn được Nord Stream 2, Mỹ sẽ nhắm các dự án khác của Nga?

Ngày 18/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 là vi phạm luật pháp quốc tế và cho thấy sự cạnh trang không công bằng. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/12 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới được Quốc hội Mỹ thông qua chống lại Moscow "chắc chắn" sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, đồng thời Nga sẽ đáp trả tương xứng.

Bản thân Berlin và Brussels cúng nghi ngờ rằng Mỹ cũng đang tìm kiếm một thị trường bán hàng cho các mỏ khí đá phiến đang phát triển. Do chi phí vận chuyển qua Đại Tây Dương, khí đốt của Mỹ vẫn chưa thể cạnh tranh.

Theo Bloomberg, Washington biết rằng việc trừng phạt Nord Stream 2 là "quá muộn" và sẽ không thể ảnh hưởng đến việc hoàn công tuyến đường ống này. Một trong các nguồn tin giấu tên tiết lộ chính quyền Mỹ sẽ cố gắng cản trở việc thực hiện các dự án năng lượng khác của Nga.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-quyet-dau-nang-luong-nga-trong-the-xung-dot-voi-eu-3393734/