Mỹ quyết sử dụng 'kế hoạch B' để trừng phạt Iran

Mỹ được cho là sẽ khởi động kế hoạch B đơn phương trừng phạt Iran, đây là kế hoạch gây nhiều tranh cãi và có nguy cơ làm Liên hợp quốc rơi vào cuộc khủng hoảng mới.

Đồng minh “quay lưng”

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 14/8 đã không thông qua nghị quyết do Mỹ đề xuất về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí hiện tại đối với Iran. Dự thảo nghị quyết không giành đủ số phiếu cần thiết để có thể được thông qua. Chỉ hai quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ, hai quốc gia bỏ phiếu chống và 11 quốc gia còn lại bỏ phiếu trắng.

Theo Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc ủng hộ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ðức), lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hạn vào ngày 18/10/2020.

Theo hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 16/8, hành động phủ quyết của Hội đồng Bảo an là một thất bại chưa từng có đối với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyed Abbas Mousavi tuyên bố, hành động phủ quyết là sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với việc Iran thực hiện nghiêm các nghĩa vụ quốc tế, nó cũng là “kết tinh” của sự kiên nhẫn và thận trọng của Iran.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nguồn: Sohu.

Mỹ “tức giận” và quyết cấm vận Iran

Theo báo cáo của hãng Al-Arabiya hôm 15/8, sau khi Hội đồng Bảo an đã chính thức từ chối đề xuất của Mỹ về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, đại đa số quan chức cấp cao Mỹ đã bày tỏ sự không hài lòng và đã quyết định tiến thêm 1 bước nguy hiểm hơn, khi khởi động “kế hoạch B” nhằm vào Iran. Theo kế hoạch, Mỹ có thể sẽ kích hoạt điều khoản khôi phục toàn bộ các lệnh cấm vận (snapback) trong Nghị quyết 2231 và đơn phương áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí khác.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc bà Kelly Kraft đã chỉ trích mạnh mẽ các quốc gia phản đối hoặc từ bỏ yêu cầu mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Bà nhấn mạnh: “Thất bại hôm nay của Hội đồng Bảo an sẽ không phục vụ cho hòa bình hay an ninh. Thay vào đó, nó châm ngòi cho cuộc xung đột lớn hơn và gây mất an ninh hơn nữa”.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thì nói rằng, việc không mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran là một sai lầm nghiêm trọng. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố nước này sẽ sử dụng một điều khoản gây tranh cãi trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) để yêu cầu Hội đồng Bảo an khôi phục lại tất cả lệnh trừng phạt quốc tế chống Iran.

Giới phân tích tin rằng, động thái mới của chính quyền Donald Trump được cho là sẽ làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa Mỹ với các đồng minh phương Tây – số cho đến thời điểm này vẫn tiếp tục ủng hộ thực thi thỏa thuận JCPOA.

Ilan Goldenberg, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng, Mỹ hiểu lệnh cấm vận sẽ không được gia hạn, nhưng đây sẽ là động lực để Mỹ tìm cách kích hoạt điều khoản về khôi phục cấm vận tức thời và phá hủy những gì còn lại của JCPOA. Mỹ muốn ngăn chặn hoàn toàn việc Iran mua sắm những vũ khí tối tân sau khi kết thúc lệnh cấm vận.

Các quan chức Mỹ chỉ ra, Mỹ sẽ sử dụng nguyên tắc "phục hồi" hoặc "tự động khôi phục các lệnh trừng phạt" được quy định trong Nghị quyết 2231. Điều này có nghĩa là, nếu Iran vi phạm bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận, cơ chế này sẽ cho phép bất kỳ bên nào ký kết thỏa thuận hạt nhân được phép gửi khiếu nại lên Liên Hợp Quốc.

Sau đó, Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu cuộc điều tra kéo dài 30 ngày và sẽ đưa ra quyết định khi kết thúc điều tra. Nhưng một khi bên khiếu nại không công nhận kết quả điều tra của Liên hợp quốc, nguyên tắc “phục hồi” có thể được áp dụng mà không cần sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an.

Iran sẽ có thể mua nhiều loại vũ khí hiện đại sau khi kết thúc lệnh cấm vận. Nguồn: Sohu.

Nhiều bên lên án hành động của Mỹ

Phía Iran cho rằng kết quả bỏ phiếu cho thấy các quốc gia khác không ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ đối với Iran. Washington đã rút khỏi các hiệp định quốc tế liên quan, do vậy Mỹ không có quyền để kích hoạt các điều khoản của Nghị quyết 2231. Về phía Mỹ, giới ngoại giao và luật sư Mỹ cho rằng, dù Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA nhưng về mặt kỹ thuật, nước này vẫn còn là bên tham gia thỏa thuận và có quyền kích hoạt điều khoản trên.

Truyền thông nhận định đây sẽ là hành động đơn phương của Mỹ và điều này có thể đẩy Hội đồng Bảo an vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ chưa từng có. Châu Âu cảnh báo hành động của Mỹ có thể làm “bất chính hóa” Hội đồng Bảo an.

Ðại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân cho rằng, Mỹ không còn là thành viên của thỏa thuận 2015 nên không có đủ tư cách để yêu cầu Hội đồng Bảo an viện dẫn điều khoản đó. “Nếu Mỹ vẫn bất chấp dư luận quốc tế, họ sẽ chuốc lấy thất bại như hôm nay. Chủ nghĩa đơn phương không nhận được sự ủng hộ và bắt nạt sẽ thất bại” - ông Trương nhấn mạnh.

Được biết, lệnh cấm vận vũ khí chống Tehran được Hội đồng Bảo an ban hành năm 2007 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 theo thỏa thuận JCPOA ký tháng 7/2015. Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất” dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Trên thực tế, các đồng minh châu Âu của Mỹ ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí chống Iran do lo ngại nếu gỡ lệnh trừng phạt này có thể gây bất ổn tại Trung Ðông. Ðức đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc rằng việc chấm dứt lệnh cấm vận sẽ thúc đẩy Iran chuyển giao vũ khí cho các đồng minh ở Yemen, Lebanon, Syria và Iraq. Tuy nhiên, các nước châu Âu cho rằng ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì thỏa thuận hạt nhân, mà xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một điều khoản bắt buộc. Phía Iran cũng đã cảnh báo việc duy trì lệnh cấm vận vũ khí đồng nghĩa chấm dứt thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/my-quyet-su-dung-ke-hoach-b-de-trung-phat-iran-261488.html