Mỹ quyết tâm đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện ở Afghanistan

Điều này được thể hiện qua những nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban thời gian qua, cũng như tại cuộc họp với đội ngũ an ninh quốc gia do Tổng thống Mỹ Donald Trump triệu tập hôm 16-8.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Nhà Trắng cùng các cố vấn an ninh hàng đầu đánh giá lại kết quả các cuộc đàm phán với Taliban về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và khả năng đạt được một giải pháp chính trị giữa các bên tham chiến tại Afghanistan.

Tổng thống Donald Trump đã nghe báo cáo từ Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng các cố vấn khác về những cuộc đàm phán với Taliban đang được Đại diện đặc biệt về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad phụ trách. Phó Tổng thống Mike Pence, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel cũng tham dự cuộc họp này.

Vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Mỹ và Taliban diễn ra tại Thủ đô Doha của Qatar.

Trong một tuyên bố, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Hogan Gidley nói: “Cuộc họp đã tập trung xoay quanh những cuộc đàm phán hiện nay của chúng tôi cùng hiệp định hòa bình và hòa giải với Taliban và Chính phủ Afghanistan.

Cuộc họp đã diễn ra rất tích cực và các cuộc đàm phán đang được tiến hành”. Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump cũng thông báo: “Vừa kết thúc một cuộc họp rất tích cực về Afghanistan. Nhiều bên đối lập của cuộc chiến kéo dài 19 năm này và chúng tôi đang hướng tới đạt được một thỏa thuận, nếu có thể được”.

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng đưa ra sau cuộc họp nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ đang nỗ lực làm việc vì chặng đường phía trước ở Afghanistan.

Thông qua việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Afghanistan, Mỹ vẫn cam kết đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện, bao gồm giảm bạo lực và ngừng bắn, đảm bảo rằng lãnh thổ Afghanistan không bao giờ bị các tổ chức khủng bố, cực đoan sử dụng một lần nữa để đe dọa Mỹ hoặc các nước đồng minh, đồng thời đưa người dân Afghanistan xích lại gần nhau nhằm hướng tới một nền hòa bình ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và đại diện lực lượng Taliban hôm 12-8 đã kết thúc vòng đàm phán thứ 8 tại Thủ đô Doha (Qatar) về một thỏa thuận hướng tới chấm dứt cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Washington mong muốn đạt được một thỏa thuận vào ngày 1-9, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan dự kiến diễn ra vào ngày 28-9 tới.

Hai bên dự kiến nhất trí rút khoảng 20.000 binh sĩ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đổi lấy việc Taliban cam kết không để cho các nhóm thánh chiến Hồi giáo, trong đó có Al-Qaeda, sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu an toàn, đồng thời sẽ tiếp tục chiến đấu chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vốn đã mở rộng sự hiện diện tại nước này trong những năm gần đây.

Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan vẫn luôn khẳng định không đàm phán với Taliban. Trong một tuyên bố ngày 11-8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tiếp tục tỏ ý phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình chính trị ở quốc gia Tây Nam Á này.

Ông nhấn mạnh: “Tương lai của chúng ta không thể do bên ngoài quyết định, dù ở các thành phố thủ đô của những người bạn, những kẻ thù hay những láng giềng của chúng ta. Số phận của Afghanistan sẽ được quyết định tại đây ở chính quê hương này. Chúng tôi không muốn bất kỳ ai can thiệp vào các công việc nội bộ của chúng ta”.

Liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Afghanistan, Taliban đã tuyên bố sẽ tẩy chay và làm mọi thứ để chống lại cuộc bầu cử này, tương tự như các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội trước đây. Theo lực lượng này, những cuộc bầu cử trong bối cảnh hiện nay không phải là 1 giải pháp cho vấn đề.

Taliban cảnh báo rằng, các lực lượng nước ngoài không nên ủng hộ cuộc bầu cử, mà nên tập trung vào 1 tiến trình hòa đàm, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến các tiến bộ đã đạt được. Còn với người dân Afghanistan, Taliban cũng cho rằng, họ không nên tập trung tại các địa điểm vận động tranh cử hay bỏ phiếu, vì đây sẽ là mục tiêu tấn công “tiềm năng” của nhóm phiến quân này.

Thực tế, trong thời gian qua, Taliban đã thể hiện khá rõ ràng quan điểm này của mình, khi vừa đàm phán với Mỹ, vừa không ngừng đánh bom, tấn công khủng bố vào lực lượng an ninh và giới tinh hoa chính trị tại Afghanistan, khiến rất nhiều người thương vong.

Mới đây nhất, hôm 28-7, Taliban đã tấn công Văn phòng của ông Amrullah Saleh – một ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Phó Tổng thống Afghanistan nếu đương kim Tổng thống Ashraf Ghani tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống nước này.

Vụ tấn công đã khiến 20 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương, trong đó có ông Saleh. Vụ tấn công này đã bị dư luận lên án gay gắt khi nó xảy ra ngay khi Afghanistan vừa chính thức phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Chiến tranh và xung đột đã tàn phá đất nước Afghanistan nặng nề suốt nhiều năm. Kể từ khi phương Tây rút phần lớn binh lính khỏi nước này vào năm 2014, sau khi đã phải hao tổn nhiều sinh mạng và tiền của trong cuộc chiến này, Afghanistan vẫn là đất nước của xung đột và nghèo đói.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc công bố hôm 2-8, chỉ trong tháng 7 vừa qua, số người thương vong trong các vụ bạo lực tại Afghanistan cao kỷ lục, hơn 1.500 người. Đây cũng là số thương vong trong 1 tháng cao nhất được ghi nhận tại nước này kể từ tháng 5-2017.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/my-quyet-tam-dat-duoc-mot-thoa-thuan-hoa-binh-toan-dien-o-afghanistan-557841/