Mỹ ra lệnh bắt tàu Iran, Gibraltar lạnh giọng

Tòa án tối cao của Gibraltar sẽ đánh giá bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm ngăn chặn tàu chở dầu Grace 1 của Iran rời đi sau khi được thả.

Ngày 16/8, Bộ Tư pháp Mỹ ra lệnh bắt siêu tàu chờ dầu Grace 1 vì liên quan đến Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, sau khi Gibraltar - vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh cho phép thả tàu.

Lệnh bắt yêu cầu tàu Grace 1 cùng tất cả số dầu trên tàu và 995.000 USD phải bị tịch thu do vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), gian lận ngân hàng, rửa tiền và hỗ trợ khủng bố.

Hồi tháng 4/2019, Washington tuyên bố, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một tổ chức khủng bố, có âm mưu truy cập bất hợp pháp vào hệ thống tài chính Mỹ để hỗ trợ các chuyến hàng trái phép từ Iran đến Syria.

Mỹ cáo buộc IRGC đã sử dụng các chuyến tàu như Grace 1 để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp và "xây dựng một mạng lưới công ty bình phong". IRGC đã rửa hàng triệu USD qua các lô hàng này.

Ngay sau khi Mỹ ra lệnh bắt tàu Grace 1, Bộ trưởng Fabian Picardo nhấn mạnh, Tòa án tối cao của Gibraltar sẽ đánh giá bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm ngăn chặn tàu chở dầu Grace 1 của Iran rời đi sau khi được thả.

Siêu tàu chờ dầu Grace 1

"Grace 1 có rời đi ngay khi công tác hậu cần được chuẩn bị xong. Nó có thể đi tới bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế quy định. Có thể vào hôm nay, có thể vào ngày mai", ông Picardo nói với BBC.

Theo Bộ trưởng Fabian Picardo, quyết định bắt giữ tàu Grace 1 của Mỹ là quyết định đơn phương của nước này, và quyết định đó sẽ phải chịu quyền tài phán của Tòa án Tối cao Gibraltar.

Rõ ràng, Gibraltar không muốn Mỹ can thiệp vào kết quả của phiên tòa trước đó. Giới chức Gibraltar muốn thả Grace 1, nhưng Washington lại muốn bắt giữ nó. Tình huống này có thể khiến mối quan hệ giữa Anh và Mỹ trở nên xấu đi.

Theo phó giám đốc Tổ chức Cảng và Hàng hải của Iran, đoàn thủy thủ của Grace 1 sẽ bắt đầu hành trình sau khi chuẩn bị những đồ dùng cần thiết, bao gồm cả tiếp nhiên liệu.

Dựa trên yêu cầu của chủ sở hữu, tàu chở dầu Grace 1 sẽ khởi hành đến Địa Trung Hải sau khi treo cờ Iran và đổi tên thành Adrian Darya. Giới chức Iran khẳng định, điểm đến Adrian Darya không phải là Syria - nơi đang chịu sự trừng phạt của Mỹ và EU.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định rằng, Iran đã không đưa ra bất kỳ cam kết nào liên quan đến việc Gibraltar trả tự do cho tàu chở dầu Grace 1.

Trước đó, ngày 15/8, Tòa án Tối cao Gibraltar tuyên bố lệnh bắt tàu Grace 1 (Iran) không còn hiệu lực và thuyền trưởng cùng ba thủy thủ của tàu được thả tự do.

"Vì Iran đã đảm bảo bằng văn bản rằng đích đến của tàu Grace 1 không phải là một quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nên không còn cơ sở nào hợp lý để nói rằng việc bắt tàu là cần thiết", Anthony Dudley, Chánh án Tòa án Tối cao Gibraltar nói.

Ngay sau khi có thông tin tàu Grace 1 được thả tự do, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã viết trên Twitter rằng:

"Không thực hiện được mục tiêu thông qua khủng bố kinh tế, Mỹ đã cố lạm dụng hệ thống pháp lý để đánh cắp tài sản của chúng tôi trên biển. Nỗ lực cướp biển này là một hành vi coi thường luật pháp của chính quyền ông Trump".

Trong khi đó, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad gọi phán quyết của tòa án Gibraltar là "một thất bại nhục nhã" với Mỹ.

Không thể ngăn cản Anh trả tự do cho tàu dầu Iran, ngày 15/8, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus tuyên bố Mỹ "có ý định thu hồi thị thực đã cấp cho các thành viên trên tàu Grace 1".

Giới quan sát cho rằng, bằng lời đe dọa thu hồi thị thực cho các thành viên tàu Grace 1, Washington đang tỏ ra bất lực trước việc Anh thả tàu chở dầu Iran.

Thành Chung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-ra-lenh-bat-tau-iran-gibraltar-lanh-giong-3385824/