Mỹ rút khỏi INF, châu Âu lo sợ tương lai thế giới

Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn, bởi không kiểm soát được vũ khí hạt nhân.

Việc hủy bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí (ví dụ như việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung - INF), có thể dẫn đến tình huống còn nguy hiểm hơn là thời kỳ ‘Chiến tranh lạnh’, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Nga là ông Markus Ederer cho biết hôm 15/11.

Vị Đại sứ của EU tại Nga tuyên bố những điều này trong bài phát biểu tại hội thảo mang tên "Nga và Liên minh châu Âu trong chính trị toàn cầu: Hướng tới một trật tự thế giới ổn định và công bằng", được tổ chức tại Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Theo ông, vào thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, tình hình nói chung còn có thể lường trước; còn hiện nay có những công cụ và các loại vũ khí không nằm trong các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, ví dụ như vũ khí trên không gian mạng và nhiều loại vũ khí mà người ta đang rút khỏi các thỏa thuận.

Nếu chúng ta xem xét kỹ tình hình hiện nay thì có thể đi đến kết luận rằng mọi việc giờ đây thậm chí còn nguy hiểm hơn thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, vì tất cả các thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký kết vào thời kỳ bấy giờ thì giờ đây đang bị phá hủy - ông Markus Ederer nói.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (The Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty - INF), khiến cộng đồng quốc tế lo lắng về nguy cơ mất kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân và dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu.

Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn là một thỏa thuận giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, được ký năm 1987. Trong Hiệp ước, các bên cam kết tiêu hủy tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mặt đất tầm trung (1000-5500 km) và tầm ngắn (từ 500 đến 1000 km), đồng thời không sản xuất, không thử nghiệm và không triển khai chúng trong tương lai.

Trong những năm gần đây, Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về việc bên kia vi phạm Hiệp ước INF. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Moscow tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, trong khi đó, Mỹ khăng khăng cáo buộc Nga phá vỡ hiệp ước này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lưu ý rằng, Moscow có những câu hỏi rất nghiêm túc đối với Hoa Kỳ về việc thực hiện hiệp ước của chính người Mỹ.

Châu Âu lo lắng về tương lai của thế giới sau khi Mỹ rút khỏi INF

Đặc biệt, Moscow chỉ ra rằng, tại căn cứ quân sự ở Romania và cả ở Ba Lan, Hoa Kỳ bố trí các thiết bị có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk (bệ phóng đa năng Mk-41, được tuyên bố là sử dụng để phóng tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 thuộc hệ thống Aegis trên bộ - Aegis Ashore), là điều bị cấm theo Hiệp ước.

Theo giới chức lãnh đạo Nga, hành động rút khỏi Hiệp ước loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) cho thấy, Hoa Kỳ đang cố gắng tự giải phóng mình, để đảm bảo sự thống trị quân sự tuyệt đối.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, thực tế này được minh chứng bởi các yếu tố khác, bao gồm cả việc thiết lập các căn cứ quân sự xung quanh Nga, tăng cường triển khai lực lượng và trang bị hạng nặng sang phía Đông, cùng với sự gia tăng các hoạt động quân sự ở châu Âu.

Bà Zakharova nhấn mạnh, bằng những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga, Hoa Kỳ đang cố gắng che giấu những vi phạm trực tiếp và rõ ràng của họ đối với hiệp ước. Hành động phá vỡ Hiệp ước INF sẽ là một bước đi rất nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược.

Hiệp ước ảnh hưởng đến không chỉ Nga và Mỹ, mà còn cả các thành viên khác của cộng đồng thế giới. Do đó, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ dẫn đến nguy cơ nghiêm trọng là đẩy toàn bộ khu vực vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Điện Kremlin nói rằng, Moscow sẽ đáp trả tương xứng trong trường hợp Mỹ cung cấp tên lửa mới vào châu Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các nước đồng ý triển khai vũ khí của Mỹ sẽ phải hiểu rằng họ đang đặt lãnh thổ của mình vào nguy cơ có thể bị tấn công trả đũa.

Moscow tuyên bố sẵn sàng làm việc để bảo vệ Hiệp ước INF, nhưng giải pháp cho vấn đề này chỉ có thể được tìm thấy thông qua đối thoại thẳng thắn, bình đẳng và xây dựng. Điều này đòi hỏi đối tác Mỹ phải có trách nhiệm và nghiêm túc trong việc tiếp tục đối thoại.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-rut-khoi-inf-chau-au-lo-so-tuong-lai-the-gioi-3369256/