Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: Nỗi lòng 'người trong cuộc'

Theo Tổng thống Ashraf Ghani, việc Mỹ rút quân là bước ngoặt lịch sử, tạo cơ hội thách thức đan xen cho Afghanistan nói riêng và khu vực nói chung.

“Tâm thư” của Tổng thống Ashraf Ghani đăng tải trên Foreign Affairs hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe quyết rút quân khỏi Afghanistan trước tháng 9/2021, cho thấy tầm nhìn của nhà lãnh đạo này về tương lai vắng Mỹ của quốc gia Nam Á.

Đó là sự lạc quan về cơ hội mới, dù kèm theo đó là hoài nghi trước vô vàn thách thức.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Nguồn: Reuters)

Lạc quan về cơ hội

Trước hết, việc Mỹ rút quân tạo ra nhiều cơ hội mới đối với quốc gia Nam Á này.

Đầu tiên, đó là dịp để Kabul tái khẳng định cam kết hòa bình với Taliban năm 2018, thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình, xây dựng cơ cấu quyền lực phù hợp với Hiến pháp Afghanistan và Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc.

Thứ hai, với Afghanistan, việc Mỹ tuyên bố rút quân là bước ngoặt trong quan hệ song phương. Kể từ khi ông Ghani lần đầu nhậm chức năm 2014, Mỹ và NATO đã rút 130.000 quân, trao lại quyền kiểm soát an ninh và các thể chế khác cho Kabul.

Từ đó đến nay, Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF) đã bảo vệ và duy trì nền cộng hòa qua hai cuộc bầu cử. Hiện nay, ANDSF đã lớn mạnh và sẽ tiếp tục phục vụ, bảo vệ người dân của mình sau khi quân đội Mỹ rời đi.

Thứ ba, việc Mỹ rút quân tạo cơ hội cho người dân Afghanistan có chủ quyền thực sự. Trong 20 năm qua, 40 quốc gia đã triển khai lực lượng quân sự đến Afghanistan.

Tuy nhiên, giờ đây, tất cả các quyết định về cách tiếp cận với Taliban và các nhóm khủng bố khác sẽ do chính quyền Kabul đảm nhiệm. Khi Mỹ rút, lời ngụy biện của Taliban rằng tiến hành thánh chiến để chống lại thế lực bên ngoài sẽ không còn nữa.

Thứ tư, quyết định rút quân của Mỹ đã khiến cho Taliban và những thế lực bảo trợ bất ngờ và phải sớm đưa ra lựa chọn. Liệu họ có thể trở thành đối tác đáng tin cậy, hay chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” cho tình trạng hỗn loạn, bạo lực tại nơi đây? Từ chối thương lượng, Taliban sẽ bị đánh bại. Song nếu đàm phán, liệu Taliban có thể chấp nhận kết quả bầu cử, đảm bảo quyền con người, bao gồm các dân tộc thiểu số không?

“Khi Mỹ rút, lời ngụy biện của Taliban rằng tiến hành thánh chiến để chống lại thế lực bên ngoài sẽ không còn nữa.” – Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.

Vững lòng trước thách thức

Giải pháp chính trị với sự tham gia của Taliban là con đường duy nhất. Tuy nhiên, nó đang phải đối mặt với nhiều thách thức để mang lại hòa bình bền vững mà người dân Afghanistan, đặc biệt là cá nhân ông Ashraf Ghani, hằng mong muốn.

Thách thức đầu tiên không gì khác chính là Taliban. Hiện chưa rõ lực lượng này thực sự muốn gì. Thứ họ từng yêu cầu, một hệ thống Hồi giáo, đã tồn tại từ lâu. Để bất kỳ cuộc đàm phán nào thành công, Taliban cần trình bày rõ tầm nhìn của mình.

Thứ hai, một giải pháp chính trị bền vững đòi hỏi sự hiện diện các tổ chức quốc tế. Các cuộc đàm phán cần một người hòa giải trung lập, đáng tin. Vòng đàm phán tại Doha giữa chính phủ Afghanistan và Taliban là minh chứng rõ nét đó.

Liên hợp quốc là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí này, trên cương vị trung gian hòa giải cũng như với tư cách giám sát các bên thực thi các lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận.

Thứ ba, một chính quyền chuyển tiếp trước bầu cử sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Liệu Taliban có thể cắt đứt liên hệ với lực lượng bảo trợ tại Pakistan, tổ chức Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (ISIS) hay không? Liệu tiếng nói của Taliban có được Ioya jirga, hội lãnh đạo cộng đồng các tỉnh chấp thuận?

Câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Việc Mỹ rút quân mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho chính quyền Afghanistan của ông Ashraf Ghani. (Nguồn: CNN)

Tuy nhiên, chắc chắn rằng ban lãnh đạo chuyển tiếp cần tiếp tục vận hành đất nước trước khi cuộc bầu cử có thể diễn ra. Hàn gắn vết thương chiến tranh là ưu tiên, nhưng không vì thế mà các hoạt động tái thiết bị đình trệ. Quá trình này cần phải diễn ra, dù ông Ghani có thể ở trong ban lãnh đạo chuyển tiếp. Ông nhấn mạnh sẽ không ra tranh cử và sẵn sàng từ chức nếu người kế nhiệm có thể mang lại hòa bình.

Bên cạnh đó, chính quyền chuyển tiếp này cần tuân thủ thỏa thuận, tìm kiếm giải pháp cho việc tái hòa nhập cộng đồng của những người tị nạn, thậm chí xem xét khả năng cam kết trung lập vĩnh viễn để giảm thiểu nguy cơ xung đột tại khu vực.

Thứ tư, đó là rủi ro đến từ môi trường chính trị bất ổn tại Afghanistan và khu vực. Người dân Afghanistan đã dần mất niềm tin vào hòa bình. Chiến dịch rút quân của Mỹ cùng một thỏa thuận thất bại, có thể dẫn đến khủng hoảng tị nạn như năm 2015.

Thêm vào đó, một giai đoạn chuyển tiếp bị gián đoạn có thể khiến cho tình hình an ninh của Afghanistan một lần nữa bị đe dọa. Điều này đòi hỏi một quá trình chuyển giao quyền hạn có trật tự, với Mỹ và NATO thực hiện cam kết tài trợ ANDSF.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng các nhân tố trên chính trường Afghanistan từ chối tuân thủ quy trình chuyển giao trật tự. Trong bối cảnh đó, quá trình chuyển giao cần mang tính toàn diện, bao trùm đối với các nhân tố trong và ngoài nước.

“Thứ mà người dân hằng ao ước là một quốc gia Afghanistan độc lập, thống nhất, trung lập và kết nối” (Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani)

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là từ Taliban. Nghĩ rằng đã chiến thắng Mỹ và NATO, lực lượng này có thể đẩy mạnh tấn công, thay vì đàm phán, tìm kiếm hòa bình cho đất nước. Khi ấy, điều đón đợi Taliban sẽ là những thất bại về quân sự trước ANDSF.

Cuối cùng, lựa chọn của Pakistan có vai trò quan trọng tại Afghanistan: Một chính sách tích cực của Islamabad sẽ củng cố hòa bình, kết nối và thịnh vượng trong quan hệ song phương và khu vực. Tuy nhiên, nếu ủng hộ Taliban chiến đấu, Pakistan sẽ đánh mất tiềm năng hợp tác lớn về chính trị, kinh tế với Afghanistan thời gian tới.

Khi ấy, nắm cơ hội, vượt thách thức, hiện thực hóa tầm nhìn một đất nước Hồi giáo Afghanistan độc lập, thống nhất, trung lập và kết nối không còn là nghĩa vụ của riêng ông Ghani và người Afghanistan, mà đã trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình.

(theo Foreign Affairs)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-rut-quan-khoi-afghanistan-noi-long-nguoi-trong-cuoc-144646.html