Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria: Người Kurd bị 'thí tốt'!

Quyết định của Mỹ rút quân khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ phía Bắc Syria đã mở đường cho Ankara tiến hành một chiến dịch quân sự mà họ đã đe dọa từ lâu. Sự rút quân này được các lực lượng Dân chủ Syria mà dẫn đầu là người Kurd - nhân tố then chốt trong chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ chỉ đạo, coi là động thái 'bật đèn xanh' cho các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái của Mỹ cũng bị coi là hành động 'thí tốt' đối với người Kurrd.

Mục tiêu của Ankara

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bày tỏ ý muốn xóa sạch “các phần tử khủng bố” khỏi khu vực biên giới. Ankara muốn thiết lập cái gọi là “vùng an toàn” kéo dài 32 km sang khu vực biên giới phía Đông Bắc Syria, với lý do biện pháp này là cần thiết vì: tạo điều kiện cho binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt nhóm vũ trang các đơn vị Bảo vệ người Kurd (YPG), thành phần chủ chốt của Lực lượng dân chủ Syria (SDF), và tạo ra những điều kiện cần thiết để những người tị nạn Syria trở về nước. Ankara coi nhóm vũ trang YPG là một sự mở rộng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và muốn đuổi nhóm này ra khỏi vùng biên giới với Syria. Ankara cũng coi “vùng an toàn” là một không gian bên trong Syria nơi khoảng 2 triệu trong số hơn 3,6 triệu người tị nạn hiện đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay về.

Khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria trải dài 480 km từ sông Euphrates ở phía Tây kéo tới biên giới với Iraq ở phía Đông. Khu vực này hiện bị SDF kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa tiết lộ quy mô chính xác của kế hoạch tấn công của mình. Trước đây, họ chỉ gợi ý rằng có thể sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự ở bờ Đông của sông Euphrate, trước khi chấp thuận cái gọi là kế hoạch “vùng an toàn" với Mỹ hồi đầu tháng 8, theo đó các lực lượng người Kurd sẽ bị đánh đuổi khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Hiện nay, các kế hoạch của Ankara có thể sẽ tập trung vào một vùng lãnh thổ trải rộng 100km dọc biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, giữa các thị trấn Ras al-Ain và Tel Abyad, nơi YPG đã rút quân khỏi từ cuối tháng 8-2019. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã đề cập đến việc tiến vào sâu hơn, qua cả “vùng an toàn” đã được đề xuất để tràn vào các TP Raqqa và Deir Az Zor của Syria, những thành phố có khả năng tạo điều kiện cho một số lượng lớn hơn người tị nạn Syria quay trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới Syria. Ảnh tư liệu

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới Syria. Ảnh tư liệu

Tác động với người Kurd và phản ứng quốc tế

SDF là lực lượng dẫn dắt chiến dịch do Mỹ chỉ huy đã đánh bại nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL, hay ISIS) tại Syria hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, việc Mỹ quyết định rút khoảng 1.000 binh sĩ đang đồn trú tại Syria đã khiến cho lực lượng gồm 60.000 quân nói trên ngày càng trở nên đơn độc và trong mắt Ankara thì thậm chí còn tê liệt. SDF ngày 7-10 đã gọi động thái này của Washington là một “cú đâm sau lưng”, song họ vẫn thề sẽ bảo vệ mảnh đất của mình bằng mọi giá, bất chấp sự ra đi của một lực lượng hậu thuẫn cho họ một thời.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm ngoái đã gọi lực lượng người Kurd ở Syria là “những chiến binh tuyệt vời” và ca ngợi những hy sinh của họ trong cuộc chiến chống ISIL. Tuy nhiên ngày 7-10, ông lại nói rằng các lực lượng người Kurd “đã chi những món tiền khổng lồ và trang thiết bị” để liên thủ với Mỹ chống lại ISIL, đồng thời cảnh báo rằng hiện nay họ cần phải “tính toán tình hình… ở nước láng giềng của họ” cùng với các nhân tố khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq.

Ông Yerevan Saeed, một chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Erbil, nhận định rằng động thái của Washington có thể đẩy SDF xích lại gần các đối thủ của Mỹ là Nga và Iran, hay lực lượng hậu thuẫn quân sự chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông nhấn mạnh: “Việc bỏ mặc người Kurd tại thời điểm này là động thái... sẽ càng đẩy người Kurd vào quỹ đạo của Tehran.”

Washington cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả các tay súng tình nghi ISIL đã bị bắt giữ trong chiến dịch chống lại nhóm vũ trang này. Tuy nhiên, chuyên gia Saeed cảnh báo rằng bất cứ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể kéo theo việc người Kurd thả tự do cho các tay súng tình nghi đang bị giam giữ nhằm để cho nhóm này “chuyển hướng các lực lượng của họ sang biên giới phía Đông Bắc để tấn công và ngăn chặn các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.” Chuyên gia này nói thêm: “Daesh (IS) vẫn là một mối đe dọa thực sự không chỉ ở Syria mà cả Iraq. Việc thả tự do cho những tù nhân này có thể tạo điều kiện cho ISIS quay trở lại cả Iraq và Syria và đảo ngược những gì mà Mỹ đã đạt được để chống lại chúng.”

Tổng thống Trump đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được vượt quá khu vực miền Bắc Syria, đe dọa sẽ “phá hoại và xóa sổ” nền kinh tế nước này nếu Ankara “vượt quá giới hạn.” Giới chức quốc phòng Mỹ cũng nói rõ rằng Washington sẽ không hỗ trợ kế hoạch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LHQ cho biết đang “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất” và bày tỏ quan ngại về kế hoạch “vùng an toàn” của Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố cảnh báo kế hoạch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “làm trầm trọng thêm những tổn thương của người dân,” gây ra một sự “di chuyển ồ ạt” và làm suy yếu những nỗ lực chính trị nhằm mục tiêu tìm ra một giải pháp cho cuộc chiến kéo dài 8 năm đã tàn phá Syria.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/my-rut-quan-khoi-mien-bac-syria-nguoi-kurd-bi-thi-tot-165536.html