Mỹ rút quân, Nga sắm vai 'người phán xử'

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria, Moscow đã đi một nước cờ chiến lược và thu được nhiều lợi ích.

Ngày 14/10, trong cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga ủng hộ tiến trình hòa giải chính trị tại Syria và kịch liệt phản đối những động thái gây ảnh hưởng tới tiến trình này.

Theo ông Peskov, Nga không thay đổi cách tiệp cận với vấn đề này. Ngay từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, Moscow đã nêu rõ, bất cứ động thái nào cản trở tiến trình hòa bình ổn chính trị tại Syria đều có thể gây leo thang căng thẳng.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định, Nga không cân nhắc về khả năng động binh với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Theo ông, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ trong kênh ngoại giao và quân sự để tránh xảy ra xung đột giữa lực lượng hai bên.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Giới quan sát cho rằng, Moscow đã đi một nước cờ chiến lược khi không công khai ủng hộ chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không công khai phản đối chiến dịch này.

Nga chỉ đơn giản là đưa ra những lời cảnh báo nhằm đảm bảo chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria không đi quá xa. Tổng thống Putin đã kêu gọi đối tác Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc hành động một cách cẩn trọng, để không làm tổn hại đến những nỗ lực chung nhằm điều phối cuộc khủng hoảng Syria.

Ngoài ra, lãnh đạo Nga yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Syria sau khi kết thúc chiến dịch, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Những yêu cầu từ phía Tổng thống Putin đã được Tổng thống Erdogan chấp thuận.

Dựa trên những nguyên tắc đã thống nhất với Ankara, Moscow dường như không cần phải bận tâm tới chiến dịch Mùa xuân Hòa bình. Không những thế, Nga đang trực tiếp hưởng lợi từ chiến dịch này.

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã giúp Nga trở thành "trọng tài chính" ở Syria. Thực tế, Nga là quốc gia duy nhất hiện nay có thể ngồi vào bàn đàm phán với nhiều nước trong khu vực Trung Đông. Tổng thống Putin sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra sau các cuộc thảo luận với Ankara, Damascus và chính quyền người Kurd.

Theo nhiều nguồn tin, các cuộc thảo luận với người Kurd diễn ra trong căn cứ không quân Khmeimim ở phía Tây Bắc đã tạo nên biểu tượng quyền lực Nga ở Trung Đông.

Hiện tại, Moscow chỉ cần tập trung giải bài toán Thổ Nhĩ Kỳ là có thể chấm dứt được cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm ở Syria. So với Washington, việc đàm phán với Ankara sẽ dễ dàng có được kết quả hơn rất nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp, toàn diện trong nhiều lĩnh vực (kinh tế, quân sự).

Mới đây, hơn 100.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ huấn luyện và trang bị đã ký thỏa thuận để mời quân đội Syria bảo vệ người dân tránh khỏi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị Mỹ bỏ rơi.

Với vai trò là "trọng tài chính", Nga cần phải đưa ra những quyết định thận trọng để có thể dung hòa mối quan hệ giữa ba thế thực: quân đội Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và SDF.

Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh hiện tại Nga chỉ cần đứng yên và chờ đợi. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập được vùng an toàn và rút quân, người dân Syria sẽ trở về sinh sống tại nơi mà Mỹ từng kiểm soát.

Về phần người Kurd, sau khi nếm trái đắng từ Mỹ, họ sẽ chẳng ngần ngại để ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Syria. Từ đó, mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho Syria sau 8 năm khói lửa.

Trung Thành

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-rut-quan-nga-sam-vai-nguoi-phan-xu-3389517/