Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến vũ trụ

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng lợi thế của Mỹ trong vũ trụ đang bị xói mòn và quân đội phải tăng cường phát triển nhanh hơn nữa để duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chiến tranh không gian

Tướng Không quân John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), cảnh báo Nga và Trung Quốc đang tích cực phát triển vũ khí nhắm mục tiêu vào các tài sản quân sự của Mỹ như vệ tinh.

Nga - Trung bám sát Mỹ

Tuyên bố trên được đưa ra hôm 2-12, tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở thung lũng Simi, bang California. Tướng Hyten cho hay Nga và Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm các loại vũ khí hoạt động trong không gian được điều khiển từ trái đất, vũ khí gây nhiễu, vũ khí laser và không ngại công khai điều đó.

Theo đài CNN, vị tướng này nhìn nhận Nga và Trung Quốc tăng cường những khả năng này để thách thức Mỹ và các đồng minh của Washington, đồng thời thay đổi sự cân bằng quyền lực trên thế giới. Tuy nhiên, ông Hyten quả quyết Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra.

Tên lửa Long March 2C của Trung Quốc mang theo 3 vệ tinh giám sát quân sự được phóng thành công vào quỹ đạo hồi cuối tháng 11 Ảnh: NEWS.CN

Tên lửa Long March 2C của Trung Quốc mang theo 3 vệ tinh giám sát quân sự được phóng thành công vào quỹ đạo hồi cuối tháng 11 Ảnh: NEWS.CN

Moscow và Bắc Kinh từng chứng kiến cách mà quân đội của Washington sử dụng thành công các vệ tinh trong hoạt động quân sự như Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Giờ đây, họ tìm cách ngăn Washington tận dụng khả năng này trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Ông Hyten ủng hộ việc chế tạo các vệ tinh có khả năng phòng vệ hơn nhưng thừa nhận hiện nay vẫn chưa có những quy định nào về tham gia xung đột quân sự trong không gian và nhấn mạnh các tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết. Trong khi đó, Bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson cho rằng Washington cần có một chính sách mới, quy định rõ nếu việc điều khiển và vận hành các vệ tinh bị đe dọa thì Mỹ sẽ xem đó là hành động thù địch và sẽ đáp trả.

Những cảnh báo của giới chức quân sự Mỹ hoàn toàn có căn cứ khi Trung Quốc đang tìm cách phát triển một loại vệ tinh mới khiến cho công nghệ tàng hình của Mỹ trở nên lỗi thời. Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), Bắc Kinh đang phát triển một loại vệ tinh trinh thám sử dụng công nghệ hình ảnh bóng ma lượng tử được dự đoán có thể thay đổi cục diện cuộc chạy đua vũ trang trong vòng 1 thập kỷ. Các vệ tinh này sẽ có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ngay cả khi chúng hoạt động trong bóng tối.

Cũng theo các chuyên gia Trung Quốc, vệ tinh mới có khả năng xác định và truy tìm các mục tiêu tàng hình khi nhìn từ ngoài không gian, chẳng hạn như các oanh tạc cơ tàng hình cất cánh trong đêm. Northrop Grumman B-2 Spirit của Mỹ hiện là oanh tạc cơ duy nhất trên thế giới có khả năng tàng hình và tấn công chiến lược mục tiêu.

Tăng tốc cải tiến

Một nhà vật lý về quang học lượng tử nói với tờ South China Morning Post rằng Bắc Kinh hy vọng sẽ có được một vệ tinh nguyên mẫu vào năm 2020, thử nghiệm công nghệ này trong không gian vào năm 2025 và sẽ triển khai quy mô lớn 5 năm sau đó. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang theo đuổi công nghệ lượng tử dùng trong các mục đích khác.

Đáng chú ý nhất là Bắc Kinh đã phóng một vệ tinh lượng tử vào không gian để truyền tải dữ liệu và truyền thông. Hồi đầu năm nay, các nhà khoa học Trung Quốc thông báo rằng họ đã truyền các thông điệp giữa hai điểm có khoảng cách xa nhau trên trái đất bằng cách sử dụng một vệ tinh lượng tử trong không gian. Lợi ích của loại hình truyền thông này là ngăn tin tặc tấn công.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Dan Coats hồi tháng 5 cũng cho rằng một số loại vũ khí chống vệ tinh (ASAT) của Nga và Trung Quốc, bao gồm các hệ thống phá hoại, có thể được phát triển thành công trong vài năm tới. Theo ông Coats, các chiến lược gia quân sự Nga có thể xem vũ khí không gian là một phần không thể tách rời của quá trình tái vũ trang không gian quốc phòng và sẽ theo đuổi một loạt khả năng đa dạng để gây ảnh hưởng đến các vệ tinh trong quỹ đạo.

Vì lẽ đó, các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng lợi thế của Mỹ trong vũ trụ đang bị xói mòn và quân đội phải tăng cường phát triển nhanh hơn nữa để duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chiến tranh không gian. Ông Hyten cho biết lợi thế của Mỹ ngày nay nằm ở khả năng hoạt động trên quỹ đạo nhiều năm qua nhưng không có nghĩa điều này sẽ được duy trì trong những thập kỷ tới. Tướng Hyten cảnh báo nếu Mỹ không làm điều gì đó khác, lợi thế này sẽ không còn và 10 năm nữa Washington có thể bị bỏ lại phía sau.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-san-sang-cho-cuoc-chien-vu-tru-20171203205932973.htm