Mỹ sẵn sàng sản xuất tiêm kích dành riêng cho Ấn Độ

Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sẽ không bán tiêm kích F-21 cho bất kỳ nước nào khác nếu giành được hợp đồng của Ấn Độ mua 114 máy bay chiến đấu mới.

Ông Vivek Lall, Phó chủ tịch phụ trách công tác phát triển kinh doanh và chiến lược của Lockheed Martin cho biết, đây sẽ là một cam kết cũng như sự coi trọng của hãng tới thị trường Ấn Độ đầy tiềm năng, và rằng F-21 hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu đặc biệt của không quân nước này.

Lockheed Martin đã giới thiệu F-21 tại Triển lãm hàng không Ấn Độ (Aero India Show) 2019 ở Bengaluru hồi tháng 2 năm nay. Hãng khẳng định F-21 là một bước đệm của Ấn Độ để tiến tới F-35 và sẽ đưa quốc gia Nam Á vào hệ sinh thái máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới, theo Air Recognition.

 Tiêm kích F-21 tại triển lãm Aero India Show 2019

Tiêm kích F-21 tại triển lãm Aero India Show 2019

Hình đồ họa của tiêm kích F-21.

Thực chất, F-21 là một phiên bản cải tiến sâu từ tiêm kích F-16V Block 70 (phiên bản mạnh nhất của dòng F-16). Dựa trên những thông tin mà nhà sản xuất máy bay Mỹ công bố, F-21 được áp dụng các công nghệ trên F-22 và F-35 - hai mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 duy nhất đang hoạt động trên thế giới.

Cụ thể, máy bay sẽ được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động APG-83, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, hệ thống Tìm kiếm và Theo dõi Hồng ngoại Tầm xa (IRST), hệ thống tiếp nhiên liệu mới, hệ thống ngắm bắn Sniper, kho vũ khí lớn...

Không những vậy, Mỹ còn sẵn sàng chuyển giao dây chuyền sản xuất loại máy bay này khi tuyên bố Lockheed Martin có thể hợp tác với Tập đoàn Tata Advanced Systems của Ấn Độ theo sáng kiến “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi.

Clip giới thiệu về tiêm kích F-21 của Lockheed Martin.

Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đặc biệt chú trọng phát triển, hiện đại hóa lực lượng không quân. Chính quyền New Delhi đã bắt đầu các tiến trình triển khai gói thầu mua 114 máy bay trị giá tới hơn 20 tỷ USD theo chương trình Đối tác Chiến lược năm 2018.

Cuộc chạy đua dự thầu quy tụ các hãng chế tạo hàng đầu thế giới bao gồm Lockheed Martin (với mẫu F-21), Boeing (F/A-18), Dassault Aviation (Rafale), Eurofighter (Typhoon), MiG (MiG-35) và Saab (Gripen).

PHẠM HUY (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-san-sang-san-xuat-tiem-kich-danh-rieng-cho-an-do-574157