Mỹ sắp có hệ thống đối phó 'vũ khí siêu thanh' Nga?

Xin giới thiệu bài tổng hợp với tiêu đề trên của báo 'Bình luận quân sự' đăng trên báo này và một số báo chuyên ngành quân sự Nga khác ngày 17/1/2021.

Ảnh trong bài là của “Bình luận quân sự”. Sau đây là nội dung bài báo:

“Ngày 16/02/2021, Tờ báo điện tử Mỹ C4ISRNET đưa tin: Quân đội Mỹ hiện đang cần gấp các phương tiện phát hiện vũ khí siêu thanh Nga (xin được hiểu tốc độ “siêu thanh” là tốc độ bằng và lớn hơn 5M).

Những hệ thống "phát hiện vũ khí siêu thanh Nga" đầu tiên của Mỹ sẽ phải sớm xuất hiện ngay trong vài năm tới, và sau đó chúng sẽ ngay lập tức được đưa đi tiến hành các thử nghiệm.

Cơ quan Phòng thủ chống Tên lửa Mỹ (Missile Defense Agency- MDA ) vừa ký một hợp đồng với công ty Mỹ L3Harris Technologies về việc thiết kế và chế tạo thiết bị vũ trụ (vệ tinh) có khả năng phát hiện các tên lửa siêu thanh và các khối tác chiến bay siêu thanh bay trong trong bầu khí quyển.

Thiết bị vũ trụ này cần phải được chế tạo xong trước cuối tháng 7/2023.

Vào tháng 12/2018, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách công tác nghiên cứu và thiết kế (vũ khí) Michael Griffin đã tuyên bố rằng các hệ thống phòng thủ chống lại “vũ khí siêu thanh” cần phải có cả một tổ hợp hoàn chỉnh đa phương tiện.

Cụ thể: (1) Cần phải thiết lập được một trường sóng radar hoàn chỉnh và chính xác, (2) cần phải có các hệ thống giám sát cần thiết bố trí trên vũ trụ và (3) cần phải có những tên lửa đánh chặn đã được hiện đại hóa.

Ông Michael Griffin cũng nhấn mạnh rằng cụm vệ tinh quỹ đạo hiện đang hoạt động của Mỹ không đủ khả năng phát hiện và bám các vật thể đang bay với tốc độ siêu thanh.

Việc thiết kế vệ tinh nói trên (theo hợp đồng giữa MDA với L3Harris Technologies như đã nói) được tiến hành trong khuôn khổ dự án Hypersonic and Ballistic Tracking Space Sensor (Cảm biến vũ trụ theo dõi vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo- HBTSS).

Vào năm 2019, các công ty L3Harris Technologies, Northrop Grumman, Leidos và Raytheon đã được nhận các hợp đồng thiết kế nguyên mẫu của thiết bị (vệ tinh) này. Nhưng không có bất cứ thông tin chi tiết nào về thiết bị vũ trụ triển vọng này được tiết lộ.

Chỉ biết rằng HBTSS sẽ là một cụm gồm mấy chục vệ tinh có thể tự trao đổi thông tin với nhau. Chúng sẽ được bố trí ở quỹ đạo thấp hơn so với quỹ đạo của các thiết bị vũ trụ phát hiện phóng tên lửa đạn đạo xuyên luc địa (ICBM).

Vào tháng 5/2020, Cơ quan Các thiết kế vũ trụ của (quân chủng) Bộ đội Vũ trụ Mỹ đã công bố các yêu cầu (kỹ thuật) đối với những vệ tinh có chức năng phát hiện và bám các vật thể tốc độ siêu thanh.

Vào tháng 10/2020, Cơ quan này đã ký hợp đồng cũng với L3Harris Technologies để chế tạo 4 thiết bị vũ trụ (vệ tinh) như vậy trong số 8 thiết bị đã được lên kế hoạch.

Việc thiết kế các vệ tinh mới được thực hiện trong khuôn khổ chương trình Wide Field Of View WFOV . Những vệ tinh WFOV này sẽ trang bị các hệ thống phát hiện hồng ngoại.

Chúng có chức năng phát hiện sớm và sau đó truyền các dữ liệu tới các thiết bị vũ trụ (vệ tinh) của cụm HBTSS, - và khi đó, cụm HBTSS sẽ chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu, nhận dạng chính xác mục tiêu và lập các dữ liệu chỉ mục tiêu.

Theo kế hoạch, thiết bị vũ trụ đầu tiên của dự án WFOV này sẽ phải được chuẩn bị xong ngay trước tháng 9/2022 tới.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/my-sap-co-he-thong-doi-pho-vu-khi-sieu-thanh-nga-3426154/