Mỹ sắp 'đột phá' với Taliban?

Cả Hoa Kỳ và Taliban đều nói rằng họ đang gần đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tín hiệu này được đưa ra sau 18 năm xung đột và nhiều vòng đàm phán căng thẳng nhưng thiện chí ở Doha, Qatar.

Tín hiệu ngoại giao tích cực

Đặc phái viên Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad đang làm việc không ngừng nghỉ để chốt được thỏa thuận khó khăn nhất trong cuộc đời mình: một thỏa thuận hòa bình cho phép các lực lượng Hoa Kỳ rút đủ nhanh để đáp ứng hạn chót là chiến dịch năm 2020 của Tổng thống Donald Trump nhưng vẫn đủ để chính phủ Afghanistan đàm phán hòa bình riêng với Taliban.

Về phần mình, các chỉ huy Taliban vẫn đang có các cuộc xung đột với các lực lượng chính phủ Afghanistan trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra. Một cuộc tấn công tự sát do Taliban chỉ huy đã diễn ra ngày 7/8 nhằm vào một đồn cảnh sát ở Kabul, thủ đô Afghanistan. Vụ tấn công này đã giết chết 14 người và làm bị thương 145 người.

Cả Khalilzad và nhà đàm phán trưởng của Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar hiện đang có các cuộc đối thoại riêng với các đồng minh và nói rằng họ đã đạt được thỏa thuận yêu cầu hầu hết các lực lượng thông thường của Mỹ phải rút trước cuối tháng 11/2020, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các quan chức Mỹ, Afghanistan và cả từ Pakistan thân cận với tiến trình đàm phán đã thông tin với tờ TIME.

Loạt rào cản

Tuy nhiên, một trở ngại lớn vẫn còn: Taliban tiếp tục từ chối yêu cầu của Khalilzad, rằng một lực lượng chống khủng bố của Hoa Kỳ sẽ ở lại chừng nào mối đe dọa khủng bố vẫn còn. Chỉ huy Mỹ tại Afghanistan, Tướng Austin "Scott" Miller, đã nói với các quan chức quốc tế rằng nếu nhiệm vụ của ông bị giới hạn là săn lùng các tay súng al-Qaeda và ISIS-Khorasan, ông có thể làm điều đó với các đơn vị hoạt động đặc biệt tinh nhuệ và hỗ trợ từ trên không, theo các quan chức Afghanistan và châu Âu.

Mỹ đã gặp nhiều khó khăn trong việc chấm dứt xung đột tại Afghanistan. Ảnh: BBC

Mỹ đã gặp nhiều khó khăn trong việc chấm dứt xung đột tại Afghanistan. Ảnh: BBC

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhóm Quetta Shura, một lực lượng của Taliban, đóng tại Pakistan đã trao cho Baradar thời hạn một năm để tất cả các lực lượng Hoa Kỳ, bao gồm nhóm chống khủng bố và tình báo, phải rút khỏi chiến trường, một nguồn thạo tin từ Taliban nói với TIME.

Cũng còn nhiều rào cản khác phải vượt qua. Nếu việc rút lui bắt đầu vào tháng tới, thời hạn tới cuối tháng 11 năm 2020 sẽ để cho phía Mỹ 14 tháng, thay vì 12 tháng mà Taliban yêu cầu. Hơn nữa, trong khi Taliban đã đồng ý đảm bảo rằng sẽ không có tay súng nước ngoài nào hiện diện trong khu vực mà họ kiểm soát, họ không nói về al-Qaeda, như Khalilzad đã yêu cầu. Và họ đã đồng ý ngừng bắn với lực lượng Hoa Kỳ chỉ khi quân Mỹ rút đi và họ cũng không áp dụng thỏa thuận này với quân đội chính phủ Afghanistan.

Bất đồng sâu sắc

Những nỗ lực của Khalilzad đã khiến các quan chức Afghanistan tức giận và khiến giới ngoại giao, tình báo và quân sự Mỹ không hài lòng. Những người này nói rằng thời gian biểu mà ông đàm phán không đủ dài để đảm bảo Afghanistan không quay trở lại thời kì quản trị hà khắc; giữ gìn lợi ích đạt được cho quyền lợi của phụ nữ, luật pháp và các vấn đề khác; hoặc đảm bảo rằng Afghanistan không còn là nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố.

Khalilzad đã nói với các quan chức Afghanistan, Liên Hợp Quốc và NATO rằng nếu các cuộc đàm phán ở Doha thất bại, ông Trump có thể kéo quân đội Hoa Kỳ rời khỏi đây nhanh hơn. Kịch bản đó, cùng với sự hỗ trợ chính trị và từ công chúng Hoa Kỳ đang suy giảm đối với cuộc chiến này, sẽ chỉ thúc đẩy Taliban hành động cứng rắn hơn, các các cựu quan chức Mỹ và nhiều quan chức đương nhiệm Afghanistan cảnh báo. Họ đều ra tín hiệu báo động về nguy cơ Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi cuộc chiến này.

"Đừng đổ lỗi cho nỗ lực hòa bình vì thực tế là Hoa Kỳ sẽ không ở lại Afghanistan mãi mãi",một cựu quan chức Hoa Kỳ nói. "Họ là một quốc gia độc lập, không phải là tiểu bang thứ 51 (của Mỹ-pv".)

Các quan chức được phỏng vấn đều chia sẻ với điều kiện giấu tên. Một quan chức có mặt tại nơi đàm phán đã nhấn mạnh về sự tiến bộ xuất sắc trong quá trình đàm phán của Khalilzad, hướng tới một cuộc rút quân dựa trên các điều kiện.

Khi tiến trình đối thoại ở Doha giữa Mỹ và Taliban thành công, nó có thể mở đường cho quá trình đàm phán giữa Taliban và các nhà đàm phán của chính quyền Afghanistan, có thể là ở Na Uy. Tuy nhiên, tín hiệu cho cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan không quá tích cực: Taliban đã tuyên bố sẽ tấn công cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/9 sắp tới – điều Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vẫn muốn tiến hành dù nhà ngoại giao Khalilzad có yêu cầu riêng rằng hãy trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Trong khi đó, cũng đang có vấn đề về sự hỗ trợ của Mỹ cho Afghanistan. Nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ quốc tế, chính phủ Afghanistan không thể tồn tại, Tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về Chương trình tái thiết Afghanistan John Sopko nói với TIME sau khi công bố báo cáo mới nhất của văn phòng mình, đề cập chi tiết việc Hoa Kỳ không thành công trong quá trình xây dựng một lực lượng an ninh đáng tin cậy ở Afghanistan.

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-sap-dot-pha-voi-taliban-20190809225229203.htm