Mỹ sắp đưa pháo mạnh gấp 25 lần 'Koalitsia-SV' vào trận?

Mỹ tuyên bố chế tạo thành công 'vũ khí thần kỳ'

Lại xin tiếp bài về vũ khí của chuyên gia quân sự, cựu kỹ sư chính Vladimir Tuchkov qua bài viết với tiêu đề và phụ đề trên đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 21/10/2019.

Ảnh: ZumaTASS

Ảnh: ZumaTASS

Tờ “Defense News” Mỹ đưa tin: Nước này đang thiết kế một kiểu pháo có tầm bắn tới 1.000 dặm. Hoặc là – tới 1.800 km.

Ngay lập tức một số người tỏ ý nghi ngờ, cho rằng đây là thông tin giả. Tuy nhiên, như đã biết, trước đây không lâu đã từng đã có một khẩu pháo “điên rồ” như vậy được thiết kế. Nhưng không phải ở nước Mỹ, mà là tại Iraq. Nhưng dự án đó đã phải dừng lại. Không phải vì đã không đạt được gì, vì thất bạu- mà là vì công trình sư thiết kế loại siêu vũ khí này bị sát hại. Và đến đấy thì mọi việc kết thúc.

Và lần này, “Defense News” dẫn thông tin trên không phải từ một nguồn giấu tên nào đó, mà từ một nguồn có danh phận hẳn hoi - Đại Tá John Rafferty, Giám đốc Chương trình tăng tầm bắn (cho pháo) của Lục quân Mỹ.

Nói cho đúng ra, vị sỹ quan này khi công bố thông tin trên cũng có “nói thòng” thêm một câu là khẩu pháo được chế tạo nói trên cũng có thể không được đưa vào trang bị. Vấn đề là ở chỗ, trong dự án dự kiến sẽ ứng dụng một số công nghệ mới hiện đại và “táo bạo” đến mức chi phí của sản phẩm cuối cùng có thể bị “vượt ngoài mọi giới hạn” (quá đắt đỏ).

Công tác thử nghiệm một số thành phần (bộ phận) khác nhau của pháo có thể sẽ được triển khai ngay trong thời gian ngắn sắp tới. Và sau khi được lăp ráp hoàn chỉnh và hiệu chỉnh, pháo sẽ bắt đầu bắn thử vào năm 2023. Mọi công việc liên quan đến “siêu pháo” sẽ được thực hiện tại Trường bắn Naval Support Facility Dahlgren,- nơi đã từng thử nghiệm railgun (pháo điện từ).

Với railgun thì mọi việc đã rõ – cái nhận được cuối cùng là một đống phế tích. Đã từng có kế hoạch lắp đặt nó (railgun) trên tàu khu trục tàng hình siêu hiện đại “Zumwalt” Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, khẩu pháo này lại không được Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ chấp nhận.

Và nó được thay bằng một khẩu pháo 155 ly đạn phản lực (tức có động cơ tên lửa). Tầm bắn của con quái vật này lên tới 150 km. Tuy nhiên, sau đó khẩu pháo này lại cũng bị “loại khỏi vòng chiến”, bởi vì do số lượng pháo được sản xuất quá ít nên mỗi quả đạn pháo có giá lên tới 2 triệu đôla.

Các tướng lĩnh Mỹ tỏ rất lạc quan về cái giá của "quả đạn pháo 1000 dặm" mới và ước tính rằng nó chỉ ở quanh mức 400.000-500.000 đô la/quả.

Đại tá Rafferty nhận định rằng kiểu vũ khí mới này sẽ là biện pháp đáp trả- phản ứng của Mỹ trước những thay đổi gần đây nhất trong tình hình chính trị- quân sự hiện nay, bởi vì cùng với việc đưa pháo “1.000 dặm” vào trang bị, Mỹ sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu từ rất xa mà không cần phải sử dụng đến Không quân.

Nhân tiện cũng phải nói luôn ,bằng việc nghiên cứu chế tạo “pháo thần công” trên – người Mỹ đã vi phạm trắng trợn INF (Hiệp ước Vũ khí hạt nhân tầm trung – Nga thường gọi là Hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm gần-ND). Nếu các thành phần (bộ phận) của pháo đã sẵn sàng để đưa đi thử nghiệm, thì có nghĩa là dự án đã được tiến hành không chỉ mới trong năm nay.

Dự án này- chính xác đó là dự án tên lửa tầm trung, vì nếu đạn có động cơ phản lực, có các thiết bị điều khiển bay và hệ thống dẫn đường đến mục tiêu – thì đích thị đó chính là một quả tên lửa. Và không quan trọng việc nó được phóng như thế nào - từ bệ phóng hay được tăng tốc trong nòng pháo bằng khí thuốc nổ.

Thế mà người Mỹ cứ liên tục cao giọng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF. Nhưng nói cho công bằng, ngay cả khi đó nhiều người cũng biết rằng Mỹ đang tiến hành nhiều thiết kế bí mật......

Nhưng trước người Mỹ, đã từng có một người khác nghiên cứu thiết kế pháo có tầm bắn siêu xa- đó là vị kỹ sư cực kỳ tài năng người Canada Gerald Bull (1928 - 1990), - một còn người rất xứng đáng với danh hiệu "nghệ sĩ tự do".

Ông đã thành lập một công ty tư nhân nhỏ, nhận đơn đặt hàng hiện đại hóa hoặc thiết kế mới các hệ thống pháo. Thêm nữa, ông nhận đơn đặt hàng từ mọi ngóc nghách trên thế giới- ngay cả Trung Quốc và Iraq cũng là khách hàng của ông. Ông cũng đã phải ngồi bóc lịch vài tháng trong nhà tù Mỹ vì can tội bán vũ khí cho Nam Phi lúc đó đang bị cấm vận.

Nhưng tất cả số tiền kiếm được từ các đơn đặt hàng ông đều đầu tư vào một dự án siêu pháo – loại pháo có thể phóng được cả vệ tinh lên vũ trụ. Ý tưởng này cuối cùng đã được Nhà lãnh đạo Iraq khi đó Saddam Hussein ủng hộ,- ông này rất muốn có một kiểu pháo lưỡng dụng.

Nhưng cùng với dự án này, nhà lãnh đạo Iraq cũng ra điều kiện với G. Bull là nếu muốn được cung cấp tài chính cho dự án thì phài “nhân tiện” hiện đại hóa luôn tên lửa “Scud” cho Iraq (từ một số nguồn- số tiền Iraq tài trợ cho dự án là 25 triệu đôla). Và chính cái này đã giết vị công trình sư – ông đã bị các điệp viên MOSSAD bắn chết ngày 22/ 3/1990 ngay cạnh nhà mình.

Kiểu pháo mà Bull thiết kế trong nhiều năm, được gọi là “Đại Babylon” ("Big Babylon."). Nòng pháo được đặt gia công từng phần ở Anh, nó được cho là có chiều dài 156 mét, đường kính – một mét. Kỹ sư G. Bull dự tính đẩy tốc độ đạn pháo lên tới 3 km/s.

Tốc độ này nhỏ hơn tốc độ vũ trụ cấp một- tức tốc độ cần thiết để đưa có thể đưa vật thể lên quỹ đạo gần Trái đất. Tuy nhiên, tốc độ này cũng đủ để đầu đạn có thể thực hiện một chuyến bay cận quỹ đạo vũ trụ, có nghĩa là có mặt trong khoảng không vũ trụ và sau đó "rơi" trở lại về Trái Đất.

G.Bull đã không kịp hiện thực hóa kế hoạch này. Tuy nhiên, hai năm trước khi ông chết, Iraq đã lắp ráp xong và cho thử nghiệm một khẩu “thần công” khác có chiều dài nòng 45 mét. Có nhiều bằng chứng khẳng định rằng khẩu pháo này đã bắn được một quả đạn pháo xa tới 750 km.

G.Bull biết rất rõ rằng sẽ không thể phóng vệ tinh nếu chỉ sử dụng “lực đẩy thuốc nổ”. Ông đã có kế hoạch thay đạn bằng một tên lửa lắp động cơ phản lực. Có nghĩa là ta có thể khẳng định rằng những ý tưởng của G.BBull đã được người Mỹ “học hỏi tiếp thu” khi bắt đầu nghĩ đến việc thiết kế “pháo 1.000 dặm”.

Nhưng cùng lớp với những khẩu pháo có tầm bắn độc đáo còn có “Pháo Paris” mà người Đức đã sử dụng để pháo kích thủ đô nước Pháp năm 1918. Quả đạn pháo nặng 120 kg bay ở độ cao 45 km nên không “vướng” lực cản không khí. Nhờ vậy mà tầm bắn có thể lên tới 130km. Nòng pháo cỡ 210 ly có chiều dài tới 34 mét. Liều phóng nặng 200 kg. Pháo được lắp đặt trên một đường ray đặc biệt.

Nòng pháo bị mòn hoàn toàn, không sử dụng nữa sau 65 phát bắn, và nó được thay thế bằng một cái nòng mới. Tổng cộng, người Đức đã bắn khoảng 350 quả đạn pháo, làm thiệt mạng 250 người, làm bị thương 600 người. Vị trí trận địa pháo trên được giữ tuyệt mật. Tuy nhiên, cuối cùng thì người Pháp cũng đã tìm ra và điều hai đại đội pháo hạng nặng đến sát tuyến tiền duyên, tập trung hỏa lực phá hủy khẩu pháo này của người Đức.

Khẩu pháo Đức này còn có hai đặc điểm nữa rất thú vị. Thứ nhất, để nòng pháo không bị uốn cong vì chính trọng lượng của mình, nó được neo giữ bằng các dây cáp cố định chúng trên một khung thẳng đứng. Thứ hai, sau mỗi lần bắn, đường kính trong của nòng pháo lại tăng lên do hao mòn vật liệu. Do đó, người Đức bắn các viên đạn pháo được đánh số với cỡ đạn tăng dần.

Và nữa, khi xem xét tổng quan lực lượng pháo binh "từng khẩu một" như thế này, rất cần phải nói thêm về hai khẩu pháo Đức trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai nữa là "Dora" và "Fat Gustav" (chỉ có hai khẩu pháo được chế tạo). Cự ly bắn không phải là kỷ lục - "chỉ vẻn vẹn" 48 km. Nhưng kỷ lục là trọng lượng của đạn pháo – 4.800 kg (bộc phá) và 7.000 kg (xuyên bê tông). Cỡ đạn - 800 mm. Trọng lượng của súng (không tính toa tàu 40 trục) -1.350 tấn.

Như chúng ta có thể thấy qua những gì đã nói ở trên, tại thời điểm này, kỷ lục về tầm bắn trong tất cả các hệ thống pháo đã được sản xuất hàng loạt thuộc về pháo AGS trang bị cho tàu khu trục Zumwalt– tới 150 km (Pháo tự hành Nga "Koalitsia -SV" – chỉ 70 km).

Chiều dài nòng pháo cỡ 155 - gần 10 mét. Pháo Mỹ trên có được cự ly bắn lớn như vậy, trước hết, là nhờ có một lượng nhiên liệu lớn cho động cơ tên lửa của quả đạn pháo chiều dài vượt quá 2 mét. Đạn được dẫn đến mục tiêu bằng hệ thống điều khiển quán tính và hiệu chỉnh bằng tín hiệu GPS.

Pháo tự hành Nga "Koalitsia -SV"

Tốc độ bắn (10 quả/phút) và nòng có thể “chịu được” tới 3.000 quả đạn mới phải thay- đấy cũng là những chỉ số rất xuất sắc.

Và như vậy, chúng ta có thể nói rằng việc chế tạo một khẩu pháo 1000 dặm là hoàn toàn có thể. Nhưng, tất nhiên, nó đòi hỏi những công nghệ đột phá. Bởi vì để tăng tầm bắn của pháo AGS (như đã nói ở trên-ND) lên gấp hơn 10 lần bằng những giải pháp kỹ thuật truyền thống là không thể.

Ví dụ, với phương pháp tăng tốc đạn trong nòng súng truyền thống, phải tăng chiều dài quả đạn lên tới 25 mét (để tăng thể tích nhiên liệu cho động cơ phản lực)- và đó là chuyện bất khả thi.

Còn có một số phương pháp khác để tăng cự ly bắn và hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu. Các phương pháp này, lấy ví dụ, như sử dụng liều phóng không phải là thuốc súng, mà là dung dịch lỏng các chất cháy. Hoặc làm cho phần lớn quỹ đạo bay của đạn là trên khoảng không gian không có không khí....

Nhưng, sẽ là ngu ngốc nếu cứ tăng mãi chiều dài của nòng pháo trong thời buổi hiện tại. Bởi vì- một trong những yêu cầu chủ yếu đối với các trang thiết bị kỹ thuật quân sự hiện đại- đó là phải có khả năng cơ động cao.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-sap-dua-phao-manh-gap-25-lan-koalitsia-sv-vao-tran-3389897/