Mỹ sắp trắng tay ở Iraq, Afghanistan

Gần 2 thập kỷ chinh chiến ở Iraq, Afghanistan, Mỹ vẫn không thể ổn định được tình hình, thậm chí mọi việc còn diễn ra theo chiều hướng tồi tệ.

Ngày 31/12, hàng ngàn người biểu tình giận dữ tấn công đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad (Iraq), phản đối vụ Mỹ không kích vào lực lượng Kataib Hezbollah hồi cuối tuần qua.

Đám đông tuần hành qua các chốt kiểm soát thường hạn chế người ra vào Vùng Xanh, khu vực được đảm bảo an ninh gắt gao của Baghdad. Họ hô vang khẩu hiệu, cầm biểu ngữ và đốt cờ Mỹ.

Người biểu tình tập trung trước cổng chính đại sứ quán Mỹ để phản đối vụ không kích và yêu cầu đóng cửa cơ quan ngoại giao này. "Quốc hội phải tống khứ quân đội Mỹ khỏi Iraq, nếu không chúng tôi sẽ làm", một biểu ngữ viết.

Một số người biểu tình giận dữ ném đá vào tòa đại sứ Mỹ trong khi những người khác hô vang khẩu hiệu phản đối Mỹ.

Người biểu tình phóng hỏa tòa nhà đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Người biểu tình phóng hỏa tòa nhà đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Nhiều người đã vượt qua bức tường bao quanh đại sứ quán Mỹ. Lực lượng an ninh Mỹ bên trong khuôn viên tòa đại sứ đã bắn hơi cay và dùng lưu đạn gây choáng để đối phó đám đông, theo Reuters. Lực lượng đặc nhiệm Iraq cũng đã được điều ra xung quanh cổng chính để ngăn đám đông tràn vào đại sứ quán.

Hai quan chức Bộ Ngoại giao Iraq cho biết Đại sứ và nhân viên sứ quán Mỹ tại Baghdad được sơ tán vì lý do an ninh, chỉ còn vài nhân viên bảo vệ ở lại thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, ngày 29/12, Mỹ không kích ba vị trí của nhóm vũ trang Kataib Hezbollah thân Iran trên lãnh thổ Iraq và Syria nhằm "đáp trả những đợt tập kích liên tiếp vào các căn cứ phục vụ chiến dịch Inherent Resolve tại Iraq". 25 tay súng Kataib Hezbollah đã thiệt mạng, ít nhất 51 người bị thương trong các cuộc không kích.

Washington cáo buộc Kataib Hezbollah đứng sau vụ phóng hơn 30 quả rocket hôm 27/12 nhằm vào căn cứ gần thành phố Kirkuk, Iraq. Vụ tấn công khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng, 4 lính Mỹ và hai binh sĩ Iraq bị thương.

Kataib Hezbollah là nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shiite được Iran huấn luyện và hỗ trợ chống lại quân đội Mỹ sau chiến dịch lật đổ tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Nhóm này từng hỗ trợ quân đội Iraq chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và được chính quyền Baghdad chấp thuận.

Giới quan sát cho rằng, việc người dân Iraq sẵn sàng phản ứng gay gắt với chính quyền Mỹ ở Iraq chứng tỏ họ đang cố gắng bảo vệ lực lượng Kataib Hezbollah khi lực lượng này bị tấn công.

Sau 16 năm can thiệp vào Iraq, những gì Mỹ nhận được chỉ là sự phẫn nộ của người dân. Lời hứa mang lại dân chủ và hòa bình của Washington vẫn chưa được thực hiện. Iraq vẫn chìm trong xung đột và bất ổn kéo dài.

Thay vì được chào đón như những người hùng (như những gì mà Mỹ tưởng tượng), giờ đây người dân Iraq đang bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng bảo vệ lực lượng mà Mỹ xem như kẻ thù.

Sẽ ra sao nếu "kẻ thù" nằm ngay bên cạnh quân đội Mỹ được dân thường Iraq bảo vệ, chính quyền Iraq công nhận? Rõ ràng, Mỹ đang dần mất đi Iraq mà không thể làm được gì khác.

Cũng giống như ở Afghanistan, sau 16 năm sa lầy trên chiến trường, Mỹ vẫn không thể dập tắt được phong trào Taliban. Để giờ đây Taliban trở thành một lực lượng hùng mạnh, kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ Afghanistan trước sự bất lực của Washington.

Trung Thành

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-sap-trang-tay-o-iraq-afghanistan-3394387/