Mỹ sẽ bắn rụng tên lửa của Triều Tiên ngay giữa trời?

Khi CHDCND Triều Tiên dọa phóng 4 tên lửa xuống đảo Guam, Mỹ chịu sức ép phải dùng đến hệ thống phòng thủ tên lửa và bắn rụng tên lửa của lãnh đạo Kim Jong-un ngay giữa trời, trước khi chúng trở thành mối đe dọa thật.

Đảo Guam-nơi có một căn cứ quân Mỹ ở Thái Bình Dương là điểm xuất kích của các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ, nên Triều Tiên xem đảo này là một sự đe dọa đặc biệt, nhất là sau khi bom Mỹ từng san bằng Triều Tiên hồi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Sau khi Bình Nhưỡng phóng thử nhiều tên lửa, B-1B nhiều lần bay đến bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh Mỹ.

Không như những lần phóng tên lửa gần lãnh thổ Triều Tiên, việc phóng tên lửa đến đảo Guam sẽ là hành động khiêu khích cực kỳ của Triều Tiên. Đương nhiên là Mỹ sẽ phản ứng.

Nhưng việc ngăn chặn tên lửa của Triều Tiên sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm mới như sau:

Những điều có lợi

Triều Tiên đã được ghi nhận có khả năng hạt nhân tấn công nước Mỹ hoặc các đồng minh và căn cứ Mỹ ở châu Á. Nhiều chuyên gia nói ông Kim Jong-un trong 1, 2 năm nữa sẽ có được một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công các thành phố lớn của Mỹ.

Triều Tiên đã có tên lửa ICBM có thể tấn công Nhật Bản, một đồng minh lớn của Mỹ và đang có 50.000 quân Mỹ trú đóng.

Nhiều khả năng Triều Tiên dùng đầu đạn hạt nhân, sinh học hoặc hóa học để tấn công Nhật và các căn cứ Mỹ.

Nhưng rõ ràng Triều Tiên vẫn cần phóng thử nhiều nữa để hoàn thiện các kỹ thuật, nhất là phải hoàn thiện công nghệ giúp đầu đạn có thể quay trở lại trái đất.

Triều  Tiên  cũng cần huấn luyện để quân đội xử lý hiệu quả đầu đạn hạt nhân và tên lửa trong thời gian ngắn.

Như thế, việc Mỹ bắn rụng tên lửa Triều Tiên sẽ cản trở khả năng thu thập dữ liệu bay mà Bình Nhưỡng rất cần để hoàn thiện công nghệ tên lửa.

Và nếu tên lửa Triều Tiên chịu không nổi tên lửa đánh chặn của Mỹ, ông Kim Jong-un sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi lại phóng thử tên lửa.

Ngăn chặn một tên lửa Triều Tiên ngay giữa trời có thêm ích lợi là không trực tiếp tấn công vào lãnh thổ Triều Tiên. Như thế sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ, nhưng cũng chừa không gian để hạ nhiệt căng thẳng, thay vì đánh phủ đầu vào các cơ sở quân sự hoặc các mục tiêu khác trên lãnh thổ Triều Tiên.

Triều Tiên phóng thử tên lửa Sao Hỏa - 12 ngày 14.5.2017

Những điều có hại

Vấn đề lớn là nếu không thể ngăn chặn tên lửa Triều Tiên thì không chỉ bị nhục mà còn có thể làm suy yếu uy tín Mỹ.

Mỹ đã bơm hàng tỉ USD vào hệ thống phòng thủ tên lửa và bán các hệ thống trị giá hàng trăm triệu USD cho các đồng minh, gồm việc dàn Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Từ tháng 5, Mỹ cũng đã tiến hành thử hai tên lửa đánh chặn ICBM.

Để tránh cho đảo Guam không bị trúng tên lửa Triều Tiên, Mỹ cần đánh chặn thành công bằng tên lửa SM-3 ‘bắn để giết’ (phóng từ trên biển) ngay trên biển Nhật Bản, hoặc bằng tên lửa Patriot PC-3 phóng từ trên bộ ở đảo Guam.

Các hệ thống phòng thủ phóng từ trên biển được thiết kế để diệt tên lửa địch đang bay,  còn hệ thống phòng thủ phóng từ trên bộ sẽ bắn rụng bất kỳ tên lửa nào đang lao xuống.

Vấn đề là liệu cả hai hệ thống này có đánh chặn được 4 quả tên lửa Sao Hỏa-12 của Triều Tiên?

Ngày 10.8, Tướng Kim Rak Gyom, chỉ huy lưc lượng chiến lược Triều Tiên, cho biết sẽ sớm hoàn thành kế hoạch bắn 4 tên lửa Sao Hỏa-12 để “trùm lửa” xuống đảo Guam, sau khi bay qua các tỉnh Hiroshima, Shimani và Koichi của Nhật, vượt 3.356,7 km trong 1.065 giây và rơi xuống biển cách đảo Guam từ 30-40 km.

Kế hoạch phô trương thế lực này sẵn sàng vào trung tuần tháng 8, và chỉ chờ lệnh của tổng tư lệnh Kim Jong-un.

Đảo Guam cách bán đảo Triều Tiên 3.400 km, và chưa chắc Triều Tiên dám liều đánh phủ đầu dân Mỹ.

Cũng chưa rõ độ tin cậy của tên lửa Triều Tiên có thể bắn trúng một mục tiêu quá xa, nhưng không ai dám loại bỏ hoàn toàn mọi nguy hiểm, khi Sao Hỏa-12 là tên lửa đạn đạo tầm trung bình, được cho là có tầm bay hơn 3.700 km, có thể phóng từ bệ phóng di động nên khó phát hiện và tiêu diệt được nó ngay từ trên bộ.

Nếu phóng cùng lúc 4 quả Sao Hỏa -12, Triều Tiên có thể buộc Mỹ vất vả đánh chặn cả 4 tên lửa đang bay tới.

Và nếu Mỹ đánh chặn hụt, Triều Tiên sẽ càng dấn tới tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân. Và sẽ khiến các đồng minh Nhật-Hàn của Mỹ rùng mình lo sợ, và họ sẽ phải tự xây dựng lực lượng hạt nhân để không lệ thuộc Mỹ.

Trong khi đó, các thế lực chống Mỹ là Nga-Trung Quốc có thể phát hiện những yếu kém của Mỹ, tranh thủ cơ hội để thúc đẩy chính sách cứng rắn hơn.

Ngay cả khi Mỹ đánh chặn thành công, chính sách bắn rơi tên lửa địch chắc chắn làm tăng căng thẳng, nhất là cho các đồng minh Mỹ ở chiến tuyến.

Tệ nhất là nếu ý đồ của Mỹ không rõ ràng, một vụ đánh chặn tên lửa có thể khiến Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Nga hiểu sai, từ đó leo thang thành một cuộc chiến tranh triệt hạ tên lửa.

Kết luận

Về mặt kỹ thuật, quân đội Mỹ-Triều đều có được những thông tin giá trị về khả năng của mình sau mỗi lần phóng tên lửa.

Bắn rụng tên lửa Triều Tiên thì tự Mỹ cắt mất những thông tin tình báo có được.

Nếu Mỹ theo đuổi chiến lược bắn rụng tên lửa Triều Tiên thì Mỹ sẽ cần phải rất tự tin vào sự thành công và được các đồng minh ủng hộ.

Vĩnh Thụy (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/my-se-ban-rung-ten-lua-cua-trieu-tien-ngay-giua-troi-69225.html