Mỹ sẽ dùng dầu Syria nuôi người Kurd

Với hợp đồng khai thác năng lượng của một công ty Mỹ với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vừa được ký kết cho thấy nhiều toan tính của Mỹ.

Trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 30/7, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho biết Tổng tư lệnh Lực lượng SDF - ông Mazloum Abdi đã xác nhận việc ký kết thỏa thuận nhằm "hiện đại hóa các mỏ dầu ở khu vực đông bắc Syria" với một công ty Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike ngay sau đó bày tỏ sự ủng hộ của chính phủ đối với thỏa thuận: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ, dù cho thỏa thuận này đã tốn nhiều thời gian hơn mong đợi để đạt được".

Ngay khi thỏa thuận được Mỹ và SDF công khai, Bộ Ngoại giao Syria đã chỉ trích gay gắt và khi cho rằng, đây là thỏa thuận nhằm khai thác trộm dầu mỏ của Syria với sự tài trợ và hậu thuẫn từ Washington.

"Thỏa thuận này là vô hiệu và không có cơ sở pháp lý", Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố.

Mỹ sẽ tăng cường bảo vệ một số mỏ dầu tại Syria.

Trước khi thỏa thuận giữa Mỹ và SDF được ký kết, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khẳng định, dầu mỏ ở Syria là một ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ, là nguồn thu nhập của người Kurd và cũng có thể giúp Mỹ có thêm lợi ích.

Do đó, Mỹ sẽ bảo vệ các mỏ dầu và chuẩn bị mời các tập đoàn dầu khí của nước này như Exxon Mobil hay Chevron đầu tư khai thác dầu mỏ ở Syria, nhằm lan tỏa sự giàu có.

Cùng với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper cũng tuyên bố rằng, nước này sẽ bảo vệ các mỏ dầu ở Syria và sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực mọi âm mưu chiếm giữ chúng.

Trong quá khứ, Mỹ cũng đã từng không ít lần tấn công lực lượng của chính phủ Syria, thậm chí là các tay súng quân sự tư nhân của Nga để ngăn chặn họ tiếp cận các mỏ dầu ở đông Syria.

Nga đã lên tiếng cáo buộc Mỹ sử dụng binh sĩ và lính đánh thuê chiếm đóng, bảo vệ, khai thác trái phép và buôn lậu dầu mỏ của Syria, thu về hơn 30 triệu USD mỗi tháng. Moscow coi đây là "hành vi ăn cướp cấp nhà nước" đối với tài nguyên của Syria.

Theo giới quan sát, với việc Mỹ chính thức ký kết thỏa thuận với SDF khai thác dầu mỏ tại Syria và những động thái trước đây với lực lượng này cho thấy, Mỹ sử dụng dầu của Syria để nuôi người Kurd để thực hiện tham vọng của mình tại đây.

Syria có trữ lượng dầu mỏ ước chừng 2,5 tỷ thùng (cùng với 241 tỷ m3 khí tự nhiên). Phần lớn các mỏ dầu và khí đốt của Syria tập trung ở vùng đông bắc nước này, với sản lượng 385.000 thùng/ngày trước khi nội chiến bắt đầu vào năm 2011, chiếm 25% tổng thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong giai đoạn IS kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, chúng khai thác khoảng 30.000 thùng/ngày, đem lại nguồn thu nhập ước chừng 500 triệu USD mỗi năm cho tổ chức khủng bố này.

Các báo cáo của Nga cho biết, việc sản xuất nhiên liệu bất hợp pháp hiện đang diễn ra trên những mỏ dầu khí lớn nhất là al-Omar, Tanak, Conoco ở tỉnh Deir ez-Zor và một số mỏ nhỏ khác ở các tỉnh lân cận al-Hasakah và Raqqa.

Các chuyên gia ước tính, nếu hoạt động khai thác được nối lại với sự hậu thuẫn của các công ty Mỹ, sản lượng khai thác ở các mỏ dầu phía đông Syria có thể lên tới 40 nghìn thùng mỗi ngày, mang lại nguồn thu trên nửa tỷ USD mỗi năm.

Mặc dù giá trị kinh tế của chúng không cao so với những gì Mỹ bỏ ra cho cuộc chiến ở Syria, song có thể là quân bài mặc cả có giá trị lớn của Washington với Moscow và Damascus; đồng thời nó sẽ là nguồn thu nhập chính giúp người Kurd có tiền để duy trì hoạt động của cơ cấu quản lý ở khu vực này và duy trì sức mạnh quân sự.

Nhưng việc xuất khẩu dầu với khối lượng lớn của người Kurd sẽ gặp khó khăn trước mắt. Đường ống dẫn dầu duy nhất của Syria hướng về phía tây, nằm trong vùng đất được kiểm soát bởi quân đội Syria, xuất khẩu dầu khí trực tiếp sang phía bắc cũng là chuyện không tưởng vì mối quan hệ thù địch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

Do đó, Mỹ dự định sẽ chế xuất tại chỗ và bán dầu của Syria qua các tuyến đường ống chạy đến Khu tự trị của người Kurd Iraq (Kurdistan).

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-se-dung-dau-syria-nuoi-nguoi-kurd-3415609/