Mỹ sẽ làm gì với các tàu sân bay cũ - 'cơn đau đầu' của Lầu Năm Góc?

Các nghị sĩ Mỹ đang tranh cãi về số phận của hạm đội tàu sân bay - những 'biểu tượng' của sức mạnh quân sự Mỹ - theo Sputnik.

Tàu sân bay Harry Truman của Hải quân Mỹ. (Nguồn: AP)

Xâm phạm điều thiêng liêng

Thật vậy, tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN-75) là chiếc tàu còn khá trẻ. Nó được biên chế từ mùa Hè năm 1998, và được thiết kế để phục vụ trong vòng 50 năm. Hàng không mẫu hạm này đã hiện diện ở Vịnh Ba Tư và hai lần ở Biển Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền ông Trump, có người đã đề xuất... rút chiếc tàu khỏi hạm đội để tiết kiệm kinh phí. Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và chính Hải quân Mỹ đã ủng hộ sáng kiến này.

Nếu tàu sân bay Harry Truman nghỉ hưu sớm vào năm 2025, thay vì năm 2048, thì số tiền được giải phóng có thể được sử dụng cho các loại vũ khí đầy hứa hẹn - UAV dưới nước và trên mặt nước, vũ khí tấn công có độ chính xác cao, tàu sân bay lớp Ford mới.

Cả ông Trump và Quốc hội Mỹ đã lên tiếng phản đối đề xuất này.

Một trong những lập luận được nêu ra là: Nếu loại bỏ tàu Harry Truman, thì đến năm 2050, Mỹ sẽ chỉ có 9 tàu lớp này, trong khi đó cần phải có 11 chiếc (con số đã được phê duyệt như một phần của chiến lược hải quân năm 2007).

Hầu hết các nghị sĩ đều biết chắc chắn: Các tàu sân bay đảm bảo lợi thế chiến lược của Mỹ trước các đối thủ tiềm tàng, với sự giúp đỡ của các tàu sân bay, Mỹ có thể kiểm soát toàn bộ đại dương thế giới.

Nhân tiện, vào năm 2014, dưới thời ông Obama, người ta đã đề xuất loại bỏ USS George Washington. Nhưng, sáng kiến này cũng bị từ chối.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng, các tàu sân bay đang nhanh chóng mất các ưu thế, trong khi các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đang sử dụng ngày càng nhiều hệ thống tên lửa với độ chính xác cao, bao gồm cả hệ thống siêu thanh. Ví dụ, người Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc đang sở hữu tên lửa chống hạm có tầm xa tới 1.000 dặm.

Tranh chấp về số phận của hàng không mẫu hạm Harry Truman tiếp tục diễn ra sau khi thay đổi chính quyền. Nhiều người vẫn chống lại ý tưởng cho tàu sân bay “nghỉ hưu sớm”. Con tàu này đã đòi hỏi rất nhiều công sức vì thế không nên để nó ngừng hoạt động giữa vòng đời.

Ngoài ra, các nghị sĩ chỉ ra rằng, đề xuất này trái với chương trình phát triển Hải quân.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, ngay trước khi từ chức, đã kịp đệ trình một kế hoạch cập nhật cho đến năm 2045, theo đó, trong thành phần hạm đội vào thời điểm đó phải có ít nhất 500 tàu.

Theo kế hoạch “Lực lượng chiến đấu 2045” (Battle force 2045), Mỹ sẽ tăng tốc đóng các tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới (lên đến 80 chiếc). Ngoài ra, trọng tâm sẽ là các loại máy bay không người lái để thay thế một phần các tàu khu trục tên lửa và tàu trinh sát.

“Cơn đau đầu” của Lầu Năm Góc

Tuy nhiên, các nhà lập pháp vẫn kiên quyết chống lại đề xuất này. Hạ nghị sĩ Rob Wittman viết:

“Bất kỳ nỗ lực nào để trì hoãn việc mua tàu sân bay lớp Ford hoặc thay đổi lịch bảo dưỡng cho tàu sân bay lớp Nimitz là vô trách nhiệm về mặt chiến lược và tài chính và chắc chắn sẽ gặp phải sự phản kháng tương tự như năm 2014”.

Các nghị sĩ ủng hộ việc gia tăng số lượng hàng không mẫu hạm không chỉ do "mối đe dọa từ phía Trung Quốc".

Ví dụ, tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Roger Wicker đã đặt câu hỏi: Liệu 11 tàu sân bay là đủ để kiềm chế Bắc Kinh ở Thái Bình Dương và thực hiện các hoạt động ở các khu vực khác của đại dương thế giới?

Ông nói, bây giờ Mỹ đang phải đối mặt không chỉ mối đe dọa từ phía Trung Quốc mà cả từ phía Nga, nước đã tăng mạnh hoạt động hải quân ở Địa Trung Hải và Bắc Đại Tây Dương.

Lầu Năm Góc giải thích thêm cho các nghị sĩ được yên tâm. Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc John Aquilino đảm bảo rằng các tàu sân bay sẽ thực hiện nhiệm vụ, tất nhiên, nếu không gặp thêm khó khăn nào.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều báo cáo về những vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng xảy ra với tàu sân bay, làm tăng chi phí bảo dưỡng.

Ví dụ, vào năm 2019, trên bờ biển phía Đông nước Mỹ, chỉ có một chiếc tàu sân bay duy nhất ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu - đó là tàu USS Dwight D. Eisenhower. Các tàu khác đang ở các giai đoạn hiện đại hóa và đại tu khác nhau, và tàu Harry Truman đã gặp trục trặc trong hệ thống điện.

Việc đưa vào vận hành các hàng không mẫu hạm thế hệ tiếp theo cũng gặp vấn đề. Chiếc tàu đầu tiên trong số đó - tàu sân bay lớp Gerald R Ford (CVN-78) đang được điều chỉnh trong hơn 15 năm.

Mỹ đã bắt đầu xây dựng tàu Gerald Ford vào năm 2005, được khánh thành và hạ thủy vào năm 2013 và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động đầy đủ sau một năm. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phát hiện vô số khiếm khuyết nghiêm trọng đến mức không thể loại bỏ được chúng.

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-se-lam-gi-voi-ca-c-ta-u-san-bay-cu-con-dau-dau-cua-lau-nam-goc-140737.html