Mỹ sẽ lắp đặt đầu đạn hạt nhân trên các vũ khí siêu vượt âm tương lai

Đó là thông tin được trang tin quân sự Defense Blog dẫn các nguồn tin thân cận ở Lầu Năm góc đăng tải.

Theo đó, ý định trên đã được công bố trong phiên họp mới đây của Thượng viện Mỹ. Thượng nghị sĩ Angus King đã đưa ra câu hỏi về mục đích và phương án sử dụng vũ khí siêu vượt âm tương lai với Tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng quân sự phía Bắc, Chỉ huy lực lượng Không gian-vũ trụ Bắc Mỹ, tướng Terrence O'Shaughnessy và lãnh đạo Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ, tướng Charles Richard. Câu trả lời được đưa ra là Mỹ sẽ biến vũ khí siêu vượt âm tương lai là một phần của hệ thống vũ khí chiến lược.

Phát biểu tại phiên họp, tướng Charles Richard cũng cho biết thêm, trong năm 2020, Mỹ đẩy nhanh và bắt đầu thử nghiệm các loại vũ khí siêu vượt âm mới. Công tác chuẩn bị cho quá trình thử nghiệm vũ khí mới đang được khẩn trương tiến hành.

 Một vụ thử tên lửa siêu vượt âm mới tiến hành trên máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ.

Một vụ thử tên lửa siêu vượt âm mới tiến hành trên máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ.

“2020 có thể coi là năm quan trọng đối với quá trình phát triển vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ. Việc cho ra mắt dòng vũ khí tương lai này sẽ giúp Mỹ tái cân bằng lại cán cân chiến lược toàn cầu và có tác dụng răn đe mọi đối thủ tiềm năng trước ngưỡng chiến tranh hạt nhân toàn diện”, tướng Charles Richard nhấn mạnh.

Liên quan tới các chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ, ngày 11-2 vừa qua, đã xuất hiện thông tin về việc Không quân Mỹ dừng chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm HCSW để dành nguồn lực cho chương trình vũ khí khác cùng loài có tiềm năng hơn là ARRW. Trong tháng 1-2020, Phòng thí nghiệm công nghệ Không quân Mỹ Cecil ở Jacksonville, bang Florida đã thử nghiệm động cơ siêu vượt âm mới X-60A dành cho các loại vũ khí tương lai. Trước đó, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Thomas Modley đã phải thừa nhận, Mỹ đang tụt hậu trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm và phải mất nhiều năm để bắt kịp các quốc gia đối thủ.

Ông Thomas Modley, sự kiện Nga giới thiệu hàng loạt dòng vũ khí siêu vượt âm mới năm 2018, cũng giống như việc Liên Xô tuyên bố đưa con người lên vũ trụ thành công năm 1957. Điều này khiến Mỹ không còn duy trì được ưu thế toàn diện về vũ khí thông thường và hạt nhân ở quy mô toàn cầu.

Sự tụt hậu trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm mới đang khiến giới chức quân sự Mỹ đau đầu tìm phương án đối phó.

Để tập trung cho các chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm mới, cuối tháng 1-2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper đã công bố gói tài chính trị giá hơn 5 tỷ USD dành cho phát triển các dòng vũ khí mới. Các phương án phát triển vũ khí siêu vượt âm mới đều được đánh giá và đẩy nhanh nếu có tiềm năng.

TUẤN SƠN (theo Lenta)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-se-lap-dat-dau-dan-hat-nhan-tren-cac-vu-khi-sieu-vuot-am-tuong-lai-610134