Mỹ sẽ ra mắt siêu phẩm pháo tầm xa trên 1.800km

Quân đội Mỹ đang áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc chế tạo một loại pháo chiến lược tầm xa, có tầm bắn 1.800 km (trước đây là tầm bắn bất khả thi), vượt xa các hệ thống pháo hiện hữu và sẽ ra mắt vào năm 2023.

Pháo Paris của Đức. (Nguồn: Steam Community)

Các mẫu pháo “khủng”

Trước đây, trong số các khẩu pháo khủng được biết đến có “Paris” cỡ 210mm với chiều dài tới 34m mà người Đức đã sử dụng để pháo kích thủ đô nước Pháp năm 1918. Khẩu pháp này sử dụng quả đạn nặng 120kg bay ở độ cao 45km với tầm bắn có thể lên tới 130km. Nòng pháo được neo giữ bằng các dây cáp cố định trên một khung thẳng đứng để không bị uốn cong vì chính trọng lượng của mình.

Sau mỗi lần bắn, đường kính trong của nòng pháo lại tăng lên do bị mài mòn và giãn nở, do đó, người Đức bắn các viên đạn với kích cỡ tăng dần. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Đức có hai khẩu pháo có biệt danh “Dora” và “Fat Gustav” với tầm bắn 48km. Trọng lượng của pháo (không tính toa tàu 40 trục) là1.350 tấn, cỡ đạn 800mm, nhưng kỷ lục là trọng lượng của đạn - 4.800kg (bộc phá) và 7.000kg (xuyên bê tông).

Vào cuối những năm 1980, muốn loại pháo lưỡng dụng, vừa bắn đạn vừa có thể phóng được cả vệ tinh lên vũ trụ, Tổng thống Iraq lúc đó là Saddam Hussein đã thuê kỹ sư Gerald Bull người Canada tham gia hiện đại hóa tên lửa Scud và thiết kế pháo Big Babylon, nòng pháo được đặt gia công từng phần ở Anh, được cho là có chiều dài 156m, đường kính 1m, dự tính tốc độ đạn pháo lên tới 3 km/s.

Đồng thời Bull cũng tham gia chế tạo pháo hạng nặng System 350 cho nước này. Được bố trí bên sườn đồi, System 350 có đường kính nòng 350mm chiều dài nòng 45m, và có thể bắn viên đạn 136kg với 15kg thuốc nổ xa đến 750km. Gerald Bull bị ám sát năm 1990 (được cho là bởi các điệp viên Israel - MOSSAD) và System 350 cũng như Big Babylon không bao giờ được hoàn thành.

Siêu phẩm pháo cần vượt ải công nghệ

Hiện tại, pháo nặng nhất của Lục quân Mỹ là pháo tự hành 155-mm M109A6 Paladin có tầm bắn chỉ 40km. Pháo lớn nhất từng được chế tạo là Schwerer Gustav có tầm bắn xa 45km. Kỷ lục về tầm bắn trong tất cả các hệ thống pháo đã được sản xuất hàng loạt thuộc về pháo AGS trang bị cho tàu khu trục Zumwalt - 150 km (pháo tự hành “Koalitsia –SV” Nga - chỉ 70 km). Chiều dài nòng pháo gần 10m, AGS có được cự ly bắn lớn như vậy, trước hết, là nhờ có một lượng nhiên liệu lớn cho động cơ tên lửa của quả đạn pháo chiều dài vượt quá 2 mét.

Nòng pháo Big Babylon tại một viện bảo tàng. (Nguồn: War History)

Nòng pháo Big Babylon tại một viện bảo tàng. (Nguồn: War History)

Quân đội Mỹ đang thống nhất với Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu tên lửa, cùng Trung tâm Phân tích Quân đội phát triển một hệ thống pháo siêu xa, nguyên mẫu sẽ ra mắt vào năm 2023, sau đó, sẽ đưa ra quyết định về việc có nên bắt đầu chương trình hay không. Theo trình tự, Chương trình này phải qua được “ải công nghệ lớn” - là thử nghiệm tại Căn cứ hỗ trợ Hải quân Dahlgren (Virginia) - nơi đã từng thử nghiệm Railgun, sau đó, một báo cáo sẽ được gửi đến lãnh đạo quân đội để phê duyệt.

Mỗi ải công nghệ phải vượt qua sẽ là cơ hội để đánh giá xem mẫu pháo mới có đáp ứng các mục tiêu chiến đấu và chi phí hay không. Theo Tổng Tham mưu trưởng Lục quân, tướng James McConville nói với Defense News trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “nếu chúng ta có thể phát triển hệ thống pháo tầm xa chiến lược, giá các viên đạn có thể chỉ là 400.000 USD hoặc 500.000 USD so với đạn hàng triệu USD, giá cả cũng là vấn đề. Chắc chắn, có một số vấn đề vật lý trong việc thực hiện dự án, và cần phải đối đầu.”

Pháo tầm xa đang được phát triển không phải là một bản phóng tác của pháo điện từ (Railgun). Railgun mạnh nhưng nhiều khả năng không thể bắn đầu đạn đi xa 1.800km. Railgun cũng cần rất nhiều năng lượng, và dễ dàng lấy được năng lượng đó từ các phản ứng hóa học hơn là từ nguồn năng lượng cỡ megawatt. Theo một thông tin của Lục quân, đạn pháo mới có thể có giá 400.000 đến 500.000 USD/viên, đạn của pháo điện từ rất đơn giản và rẻ, trong khi động cơ tên lửa đắt hơn đáng kể.

Khả thi và tầm bắn là thống soái

Đối với Lục quân, tầm bắn sẽ có vai trò thống soái trong các hoạt động chống lại các đối thủ, nhất là những nước đầu tư nhiều cho các công nghệ phòng thủ. Sự kết hợp các hệ thống phòng không tầm xa, pháo binh và phòng thủ bờ biển với sự tích hợp các radar tầm xa, ngoài đường chân trời sẽ rất khó để chống lại. Hệ thống tích hợp đó thách thức cả máy bay, tàu tinh vi nhất.

Pháo tự hành 155-mm M109A6 Paladin có tầm bắn 40km. (Nguồn: ASC. Army)

Một trong những cách để giải quyết vấn đề đó là dùng hỏa lực đất đối đất có thể xuyên qua hệ thống phức hợp chống tiếp cận/chống thâm nhập và làm tan rã mạng lưới phòng thủ của đối phương, tạo ra các cơ hội cho lực lượng chung khai thác. Hỏa lực đất đối đất có thể được cung cấp bởi Lục quân không cần phải sử dụng đến Không quân. Có hai hệ thống bổ sung sẽ được thiết kế để xâm nhập lãnh thổ của kẻ thù. Tên lửa siêu thanh, với công nghệ tinh xảo, sẽ rất tốn kém và có lẽ sẽ không bao giờ có đủ số lượng. Và nữa, pháo chiến lược, có thể bắn một số lượng đạn giá cả phải chăng hơn, có thể là 12, 16 hoặc 20 cấp tập để tiêu diệt mục tiêu.

Theo một chuyên gia Nga, việc chế tạo khẩu pháo bắn 1.800km là hoàn toàn có thể, tuy nhiên, cần những công nghệ đột phá vì để tăng tầm bắn của pháo AGS lên gấp hơn 10 lần bằng những giải pháp kỹ thuật truyền thống là không thể. Với phương pháp tăng tốc đạn trong nòng súng truyền thống, phải tăng chiều dài quả đạn lên tới 25m (để tăng thể tích nhiên liệu cho động cơ phản lực) - giải pháp bất khả thi.

Có một số phương pháp khác tăng tầm bắn và hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu như sử dụng liều phóng không phải là thuốc súng, mà là dung dịch lỏng các chất cháy; làm cho phần lớn quỹ đạo bay của đạn ở trên khoảng không gian không khí loãng... Nhưng, sẽ là phi thực tế nếu cứ tăng mãi chiều dài của nòng pháo, vì một trong những yêu cầu chủ yếu đối với các trang thiết bị kỹ thuật quân sự hiện đại là khả năng cơ động cao.

(theo Cont, Popularmechanics và Defensenews)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-se-ra-mat-sieu-pham-phao-tam-xa-tren-1800km-103209.html