Mỹ siết chặt nguồn tài trợ cho Syria: Căng thẳng tiếp tục gia tăng

Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi những biện pháp trừng phạt được đánh giá là cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vừa bị Mỹ áp đặt để siết chặt nguồn tài trợ cho Chính phủ quốc gia Trung Đông này. Qua đó, Washington muốn gia tăng sức ép buộc Syria quay trở lại bàn đàm phán hòa bình.

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chính quyền Syria tác động mạnh tới quốc gia vốn bị tàn phá bởi xung đột dai dẳng.

Các biện pháp trừng phạt dựa theo Đạo luật Bảo vệ công dân Syria - Đạo luật Caesar, được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 12-2019, có hiệu lực từ tháng 6-2020, nhằm vào "giới tinh hoa" gồm Tổng thống Syria và phu nhân cùng 37 cá nhân và thực thể khác có hoạt động kinh doanh với chính quyền nước này.

Tuyên bố trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16-6, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft cho biết, mục tiêu của các lệnh trừng phạt là nguồn thu và các khoản hỗ trợ để Damascus sử dụng cho những hành động mà Washington cáo buộc là sự tàn bạo trên quy mô lớn và ảnh hưởng xấu đến tiến trình hòa bình ở Syria.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bên cạnh vợ chồng Tổng thống B.Al-Assad, những mục tiêu của lệnh trừng phạt còn bao gồm chị gái, anh trai của ông cùng một số tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội và dân quân Iran, đều đóng vai trò chính trong việc cản trở một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột. Trước đó, Syria đã hứng chịu nhiều biện pháp gây sức ép của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Song, các lệnh trừng phạt mới đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó nhắm trực tiếp vào những bên có lập trường ủng hộ và hậu thuẫn chính quyền Tổng thống B.Al-Assad.

Ngay khi những biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố chỉ trích Đạo luật Caesar vi phạm tất cả quy chuẩn và luật lệ quốc tế cũng như quyền con người, đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ Tổng thống B.Al-Assad trong việc kháng cự đến cùng trước sức ép từ Washington.

Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja'afari cáo buộc Mỹ cố tình áp đặt luật của mình với thế giới. Damascus cũng nhấn mạnh rằng đạo luật này sẽ gây thêm sự đau khổ cho người dân Syria khi nước này vốn đã chịu sự tàn phá và suy thoái nghiêm trọng, nhất là giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát. Nền kinh tế của Syria phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn khi tỷ giá quy đổi đồng bảng Syria sang đồng USD rơi ở mức thấp kỷ lục vào tuần trước, với 1 USD đổi được 3.500 bảng Syria. So sánh với thời điểm trước khi cuộc xung đột tại Syria bùng phát vào năm 2011, 1 USD khi đó đổi được 47 bảng Syria. Giá thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu cũng tăng vọt 60%-70%, vượt quá khả năng chi trả của người dân.

Động thái của Mỹ vấp phải ý kiến trái chiều của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại phiên họp trực tuyến định kỳ hằng tháng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đề cập tình hình Syria, các đại diện của Nga và Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Đạo luật Caesar. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho rằng, các lệnh trừng phạt của Nhà Trắng làm trầm trọng tình hình và khiến các điều kiện kinh tế - xã hội ở quốc gia Trung Đông thêm tồi tệ.

Còn Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân mong muốn, Mỹ đáp lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Geir Pedersen về việc dỡ bỏ ngay lập tức quyết định đơn phương.

Những biện pháp mới được áp dụng chỉ là bước khởi đầu trong một chiến dịch gây áp lực kinh tế và chính trị trường kỳ chống lại Tổng thống B.Al-Assad. Ngoại trưởng M.Pompeo đã nhấn mạnh như vậy, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ có các lệnh trừng phạt bổ sung được công bố trong những tuần tới. Trong khi đó, cuộc xung đột dai dẳng tại Syria đã bước sang năm thứ 10 và các bên liên quan vẫn bế tắc trong việc thực hiện một lộ trình hiệu quả để giải quyết những mâu thuẫn đan xen trên “bàn cờ” chính trị này.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/970550/my-siet-chat-nguon-tai-tro-cho-syria-cang-thang-tiep-tuc-gia-tang