Mỹ: Sinh viên loay hoay gánh nặng nợ nần

Vay nợ cho GD không ngừng tăng cao, dù cũng có đôi chút giảm về mức tăng của nợ trung bình trên mỗi SV. Nhiều bậc cha mẹ từ chối bảo lãnh các khoản vay lớn để chi trả học tập cho con… Đó là những thống kê về chi phí cho GD ĐH hiện nay ở Mỹ, nơi mà phần lớn gia đình hoặc tự thân SV phải dựa vào các khoản vay GD để theo học ĐH.

SV ĐH Harvard (TP Cambridge, bang Massachusetts) đang ăn mừng trong lễ tốt nghiệp. Nhiều người trong số họ sẽ phải dành ít nhất 10 năm đi làm sau tốt nghiệp để trả nợ cho chi phí học tập

Ngày càng ít gia đình chấp nhận các chi trả lớn

Theo một khảo sát mới được công bố từ Tổ chức thống kê T. Rowe Price, nhiều phụ huynh Mỹ đã thẳng thừng từ chối gánh vác khoản chi trả từ 75.000 USD trở lên (chi phí được coi là tối thiểu cho 4 năm ĐH tại một trường trung bình cho mỗi SV). Mức lựa chọn phổ biến là dưới 25.000 USD, nghĩa là tập trung vào chi phí cho năm học ĐH đầu tiên.

Cuộc khảo sát của T. Rowe Price bắt đầu được triển khai từ hồi đầu năm nay; bao gồm 1.013 phụ huynh và 1.000 thanh niên từ 18 đến 24 tuổi. Kết quả cho thấy chỉ 14% phụ huynh sẵn sàng bỏ ra hơn 75.000 USD để trả cho trường ĐH của con em mình trong năm nay. Vào năm 2017, con số này là 26%, còn năm 2016 là 28%.

Cùng với sự thay đổi trong lựa chọn khoản vay tín dụng học tập để chi trả cho con cái theo học ĐH, các phụ huynh cũng cho rằng việc lựa chọn gói vay thấp giúp họ “ngủ ngon” hơn. Theo khảo sát, có khoảng 27% phụ huynh cho biết đã không thể nhắm mắt mỗi đêm khi nghĩ tới khoản tiền phải trả cho nhà trường cũng như các chi phí khác cho học tập của con. Vào năm 2107, con số này là 41%, thấp hơn 1% so với năm 2016 (42%).

Chuyên gia tư vấn về vay nợ cho GD, Mark Kantrowitz, cho biết mức cho vay trực tiếp của liên bang đối với các SV đã chạm giới hạn, việc vay mượn đang chuyển sang các phụ huynh, nếu muốn con cái được học cao hơn, trong môi trường GD tốt hơn. Ông tính toán khoản nợ vay GD của phụ huynh Mỹ đã tăng 20% trong giai đoạn 2011 và 2016, từ 27.000 USD đến 33.000 USD.

Chia sẻ thêm về việc gánh vác chi phí học ĐH cho con cái của mình, nhiều phụ huynh cho biết sẵn sàng lựa chọn một trường ít tiếng tăm hơn, ở thành phố nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc ít tốn kém hơn, để giảm chi phí và tránh rơi vào nợ nần. Một số phụ huynh khác thì giải quyết bằng cách xây dựng kế hoạch quản lý tài chính chi trả cho con học ĐH, dù là có số dư trong tài khoản gia đình hay không. Trong đó, lựa chọn đang dần trở nên phổ biến là mở tài khoản tiết kiệm ĐH.

Theo T. Rowe Price, hiện phụ huynh Mỹ đang sử dụng 529 tài khoản tiết kiệm ĐH để bỏ tiền vào chi phí học phí cho con em mình; đồng thời là sự lựa chọn phổ biến nhất trong năm 2018. Trong khi đó, ở các năm 2017 và 2016, các tài khoản tiết kiệm truyền thống là cách phổ biến nhất để phụ huynh và SV dành dụm tiền học.

Nặng gánh nợ nần cho ước mơ ĐH

Cũng khảo sát về mức vay nợ GD của SV ĐH, báo cáo thường niên mới đây của Viện CĐ Tiếp cận & Thành công (TICAS) cho biết, có tới 66% SV tốt nghiệp ĐH mang theo khoản nợ GD chưa được thanh toán; với mức nợ trung bình 28.650 USD/người. Thông tin tích cực là nợ trung bình trên mỗi SV chỉ tăng 1% vào năm 2017 so với năm 2016; trong khi từ năm 1996 đến 2012, mức tăng bình quân của mỗi năm là 4%.

Mặc dù sự giảm tốc đó là tin mừng, nhưng nó không kể toàn bộ câu chuyện, James Kvaal, Chủ tịch TICAS nói. “Có những lý do thực sự đáng lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ đang xảy ra giữa các nhóm SV nhất định” - Kvaal cho biết.

Theo ước tính của TICAS, hiện có khoảng 8,9 triệu SV tham gia vào khoản vay học tập từ liên bang (gói vay dài hạn), trong khi có khoảng một triệu người khác vay theo số tiền được ấn định mỗi năm (có thời hạn trả cụ thể trong ngắn hạn). SV tốt nghiệp ĐH xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp gặp phải những ràng buộc đối với các khoản vay cao gấp năm lần so với bạn bè xuất thân từ các gia đình có thu nhập cao hơn.

Kvaal cho rằng, sự suy giảm trong tăng trưởng nợ SV xuất phát từ thực tế là tăng trưởng học phí được ghìm lại và chi tiêu của các tiểu bang cho GD ĐH gần đây đã tăng lên, chứ không phải khả năng chi trả của các gia đình hay bản thân SV đã cao hơn.

Cũng theo Kvaal, khi các khoản vay của liên bang dành cho SV đạt giới hạn, trong khi các gia đình từ chối chi trả nhiều hơn, không ít SV phải tìm cách vay tiền từ các khoản tín dụng bên ngoài, dù phải chịu lãi suất cao hơn và nhiều rủi ro hơn. Thống kê của TICAS cho thấy có khoảng 15% nợ SV trong năm 2017 là khoản vay bên ngoài.

“Vượt quá mức vay cho phép của khoản vay liên bang, hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện để được vay, buộc một số SV phải lựa chọn các khoản vay bên ngoài” - Kvaal nói, đồng thời cũng chỉ ra rằng lãi suất cho vay của hệ thống tín dụng tư nhân có thể lên tới 14%, so với khoảng 5% cho các khoản vay GD liên bang.

Theo Sơn Hà -CNBC

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/my-sinh-vien-loay-hoay-ganh-nang-no-nan-3954146-b.html